Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (15/6), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Việc tăng chi vượt dự toán là vấn đề nhận được nhiều ý kiến phân tích làm rõ.

Tăng chi là chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm

Liên quan đến việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.952 tỷ đồng, trong đó có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014, bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng theo báo cáo quyết toán NSNN 2014, bội chi NSNN là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61%GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán, trong đó tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng, tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng.

nguyen_duc_hai_kctb.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đa số ý kiến Thường trực UBTCNS cho rằng, theo quy định tại Điều 49 Luật NSNN hiện hành, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội. Đồng thời, tại Báo cáo số 2714/BC-UBTCNS13 thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2014, triển khai dự toán năm 2015, Ủy ban TCNS đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này.

“Đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và quy định của Luật NSNN, đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi NSNN năm 2014 vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng” – ông Nguyễn Đức Hải nói.

Một số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, mặc dù chi vượt dự toán nhưng khoản chi vượt dự toán do giải ngân nhanh nguồn vốn ODA đã diễn ra tương tự từ nhiều năm trước và đã được Quốc hội cho phép quyết toán theo số thực tế. Mặt khác, từ năm 2015, Chính phủ đã có báo cáo với Quốc hội về việc điều chỉnh dự toán do dự báo tăng giải ngân nguồn vốn ODA. Vì vậy, nhất trí cho phép quyết toán chi NSNN năm 2014 như đề nghị của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong số giải ngân vốn ODA vượt dự toán có 10.782,7 tỷ đồng do Chính phủ chuyển đổi vốn ODA tại một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp nhưng chưa báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 5 Luật NSNN hiện hành. Do đó, đề nghị loại khỏi quyết toán chi NSNN năm 2014 số tiền 10.782,7 tỷ đồng.

Thực hiện nghiêm theo tinh thần Hiến pháp

Báo cáo về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bố trí vốn ODA giải ngân hàng năm đều đạt thấp, không đi vào thực chất thì đến nay đã khắc phục một bước của giai đoạn 2016-2020. Trước đây chỉ bố trí khoảng 17.000-18.000 tỷ đồng thì nay bố trí 250.000 tỷ cho 5 năm.

“Dự toán đã có nhưng vượt dự toán, nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, cần nhìn cả quá trình. Nếu trước đây giải ngân chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy giải ngân ODA lên khá cao. Việc đề nghị cho vào quyết toán 2014 cũng là một bước minh bạch hoá” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu báo cáo Quốc hội xem xét quyết định

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, năm 2014, công tác quản lý ngân sách có nhiều tiến bộ so với các năm trước, công khai, minh bạch rõ ràng hơn và xử lý cương quyết hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo kiểm toán và thẩm tra cũng như Chính phủ cũng có nhận định đánh giá thì thấy rằng công tác quản lý thu - chi ngân sách còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí nhiều sai phạm ở các cấp.

Hiến pháp 2013 và Luật Ngân sách quy định rất rõ: Dự toán thu được Quốc hội chấp nhận cho phép thì cơ quan hành pháp phải thực hiện thu đúng thu đủ, dựa vào căn cứ hệ thống pháp luật thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi lại khác, không mở như dự toán thu mà có giới hạn, Quốc hội cho 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không cao lên hay thấp xuống được.

“Khoản tăng bội chi hơn 36.000 tỷ đồng thấy rất rõ đây là khoản chưa có dự toán chi. Theo tôi, đến giờ phút này chưa có dự toán do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 2014, yêu cầu Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước xung vào năm 2014 hay 2015, 2016 là quyền Quốc hội, phải thực hiện nghiêm” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm và đề nghị kiểm toán Nhà nước thể hiện chính kiến rõ ràng trong báo cáo đầy đủ và tóm tắt; Uỷ ban Tài chính – Ngân sách có thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, sự tiến bộ trong công tác ngân sách là đáng ghi nhận, song những hạn chế, tồn tại gần như năm nào quyết toán cũng có và lặp lại.

“Từ hồi nào tới giờ nói rất nhiều nhưng đều cho qua, lần này cần chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách lần này là mạnh mẽ” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vàđề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp thu để Uỷ ban Tài chính – Ngân sách có thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định./.