Sáng 29/9, Văn phòng Quốc hội tổ chức Toạ đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội” với sự tham dự của nhiều đại biểu Quốc hội khoá XIII và những đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội khoá XIV cùng đông đảo phóng viên báo đài theo dõi nghị trường.
Toạ đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội”
Báo chí cần mình là cử tri cần mình
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội khoá XIII cho rằng, trả lời báo chí là hình thức tiếp xúc báo chí mà nhiều đại biểu e ngại, bởi thông qua việc trả lời phỏng vấn, cử tri sẽ nhận biết được thực chất của đại biểu Quốc hội như thế nào. Tuy nhiên, nếu thể hiện tốt thì đây là một kênh thông tin hữu hiệu nhất để đại biểu xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.
Về kỹ năng của đại biểu, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh đại biểu cần phải nắm vững vấn đề mình được phong vấn. Quốc hội là cơ quan lập pháp, đại biểu khi trả lời phỏng vấn báo chí hoặc xuất hiện trên truyền hình phải nắm vững luật pháp, không thể trả lời chung chung, hoặc “có thể”, hoặc “để tôi kiểm tra lại xem vấn đề đó ở luật nào...”.
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội khoá XIII |
Vị đại biểu có nhiều phát biểu ấn tượng trên nghị trường cũng cho rằng nguyên tắc trả lời phải luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, không né tránh những câu hỏi “hóc búa”, nhạy cảm và phải có chính kiến của mình.
Kết thúc bài tham luận, ông Lê Như Tiến cũng gửi thông điệp tới các đại biểu lần đầu tham gia nghị trường là: Cánh cửa phòng Đại biểu Quốc hội luôn mở với báo chí; Báo chí cần mình là dư luận xã hội cần mình, là cử tri cần mình...
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho rằng, đại diện cho dân mà không có hoạt động liên quan báo chí là không được. Bởi qua báo chí người dân mới biết Quốc hội hoạt động như thế nào, còn nếu gói gọn trong toà nhà thì dân không biết.
“Tôi cho rằng việc tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền nhưng vừa trách nhiệm của đại biểu. Muốn Quốc hội minh bạch, vì dân thì phải coi đó là trách nhiệm. Quan niệm thế mới là đúng” – ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm và cho rằng mỗi đại biểu phải không ngừng nghiên cứu để có thông tin.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XIV |
Cho rằng trước nhiều vấn đề nếu người đại biểu không có dũng khí thì không dám nói, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ: “Người không có thông tin đã đành, nhưng có người biết rất rõ nhưng không thấy phát biểu. Mình là đại biểu của dân thì phải truyền đạt được ý kiến của dân”.
Còn theo Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An báo chí và đại biểu Quốc hội phải luôn đồng hành để cử tri biết và giám sát. Vừa qua hầu hết các vụ việc tiêu cực bị phanh phui đều có đóng góp rất quan trọng, thậm chí có vụ mang tính quyết định của báo chí. Nhờ lòng dũng cảm, sự tâm huyết, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn gian khổ, thậm chí tính mạng bị đe doạ để nêu lên mặt báo những bức xúc của dân, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực...
Trung thực, khách quan để đồng hành
Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 1, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, các phóng viên trẻ quan niệm làm phóng viên nghị trường, đề tài Quốc hội có 4 chữ KH: Khô, khó, khổ, khiếp. Nhưng theo ông, thực tế “Không khô, không khó, không khổ, không khiếp” và nếu quen, nếu yêu thì sẽ “Khấm khá”.
“Không “khô” nếu biết khai thác các vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Không “khó” nếu biết tranh thủ, tiếp thu được trí tuệ tuyệt vời của các đại biểu. Không quá “khổ” nếu yêu nghề, sống bằng nghề, sống bằng nhuận bút chân chính. Nếu làm được điều này thì sẽ không “khiếp” đề tài Quốc hội, nghị trường mà sẽ “khấm khá” – nhà báo Đỗ Phú Thọ chia sẻ.
Vị nhà báo quân đội cũng cho rằng, cái giỏi, cái cần thiết nhất của các nhà báo theo dõi nghị trường là phải biết tranh thủ khai thác, học tập được trí tuệ tuyệt vời của các đại biểu Quốc hội, gắn kết được trí tuệ của các đại biểu Quốc hội với cử tri.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó TBT Báo Quân đội nhân dân |
Đề cập sự đồng hành của Quốc hội với báo chí, nhà báo Đỗ Phú Thọ bày tỏ: Nếu đại biểu Quốc hội phát biểu trong hội trường mà không có báo chí thì chỉ nói cho gần 500 đại biểu khác nghe. Nhưng nếu có sự tham gia của báo chí thì hàng vạn, hàng tiệu người cùng được biết đến thông điệp mà đại biểu Quốc hội muốn gửi tới.
Tuy nhiên có một thực tế không ít đại biểu Quốc hội, đặc biệt với người lần đầu tham gia Quốc hội “ngại” tiếp xúc với báo chí. Ngoài lý do về kỹ năng giao tiếp, còn có nguyên nhân quan trọng là các đại biểu sợ các nhà báo nói sai ý, cắt xén, lắp ghép các ý kiến của mình. Vì thế, để làm bạn đồng hành với các đại biểu, các nhà báo cần phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những thông tin từ đại biểu Quốc hội. Nhà báo tin đại biểu Quốc hội thì đại biểu Quốc hội cũng phải tin báo chí.
Còn theo nhà báo Lê Kiên (Báo Tuổi trẻ TP HCM), thông tin về hoạt động nghị trường được bạn đọc chờ đón là điều hiển nhiên, bởi Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của dân, thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Mỗi lần “ấn nút” của các đại biểu Quốc hội có thể tác động sâu sắc đến dời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, gia đình và tổ chức. Do đó nhu cầu thông tin của phóng viên chính là nhu cầu của bạn đọc.
“Cần nâng cao hơn nữa tính công khai minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội. Sự phát triển và vai trò của mạng xã hội là không thể phủ nhận nên nếu không cung cấp thông tin kịp thời thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng của trận địa thông tin” – nhà báo Lê Kiên nói./.