Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công tác bầu cử, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm từ đầu tháng 5, tỉnh Quảng Ninh chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từ miền núi tới hải đảo, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày 23/5 tới.
Huyện miền núi biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) có 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ với hơn 22.000 cử tri. Xác định địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra mất an ninh trật tự, Ủy ban bầu cử huyện đã phối hợp các đơn vị tăng cường siết chặt quản lý từ tuyến biên giới tới nội địa, xây dựng các phương án cụ thể ứng phó nguy cơ sạt lở, lũ quét trong thời gian bầu cử, đồng thời rà soát lại các tuyến đường giao thông có nguy cơ mất an toàn... Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường, công tác phòng chống dịch trong bầu cử lại càng được triển khai quyết liệt hơn.
Bà Hoàng Thị Nghị, Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Liêu cho biết, thị trấn sẽ trưng dụng đội ngũ y tế học đường, đảm bảo mỗi điểm bầu cử có 2 người làm công tác y tế, sẵn sàng mọi tình huống và đảm bảo cho tất cả cử tri đều được bỏ phiếu.
"Chúng tôi cũng phát huy hoạt động của đội tự quản, rà soát nắm tình hình, vận động mọi trường hợp từ vùng dịch trở về lấy mẫu test xét nghiệm Covid-19. Ý thức nhân dân cũng đã nâng cao, bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu lạ trở về địa phương thì nhân dân cũng báo kịp thời, chính quyền có giải pháp để xử lý. Tất cả những di biến động đối với dân cư liên quan địa bàn biên giới 2 bên đều được quản lý chặt chẽ", bà Hoàng Thị Nghị cho biết thêm.
Không chỉ chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, việc đấu tranh trên không gian mạng, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch cũng được tăng cường tối đa. Nhiều địa phương tại Quảng Ninh tập trung các hoạt động tuyên truyền, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, giải quyết nhanh chóng khiếu nại, kiến nghị, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, để người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị.
Tại TP Hạ Long, với đặc thù địa bàn rộng, đa dạng đối tượng cử tri, các đơn vị đã linh động, sáng tạo trong tuyên truyền, như thông qua các hoạt động phong trào, các hình thức biểu diễn lưu động trực quan. Như tại làng chài Hà Phong, không chờ đến ngày ngư dân trở về nhà, các ban ngành, đoàn thể chủ động ra tận khu vực biển Vung Viêng, Cửa Vạn để tuyên truyền về cuộc bầu cử. Ông Nguyễn Văn Bội, Bí thư Chi bộ, trưởng khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long cho biết, nhờ đó tất cả cử tri đều nắm được đầy đủ tinh thần, nội dung và thời gian bầu cử sắp tới.
"Nhân dân khu 8 có 154 hộ thì 2/3 đi đánh bắt trên biển. Để làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, chúng tôi đã cùng Phòng Tư pháp thành phố tổ chức tuyên truyền cho hơn 100 người dân tham gia, tập trung bà con nói chuyện, thông báo cho bà con biết được ngày 23/5 trở về bầu cử, làm tốt quyền dân chủ của mình", ông Nguyễn Văn Bội cho biết thêm.
Công an tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt toàn lực lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan phục vụ an toàn cuộc bầu cử với mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, kiểm soát tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội... Đặc biệt, Quảng Ninh đã có phương án, kịch bản phòng chống dịch Covid-19 tính toán chặt chẽ cho từng điểm bầu cử, trong đó có cả tình huống phải thực hiện giãn cách xã hội, giữ an toàn cho từng cử tri tham gia bầu cử.
Đại tá Vũ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an tỉnh tập trung chỉ đạo nhiệm vụ này từ rất sớm, đảm bảo chủ động, linh hoạt, đáp ứng mọi diễn biến trên địa bàn. Phát động thi đua cao điểm 75 ngày đêm chào mừng bầu cử, hiện công an an tỉnh đang triển khai đồng thời 3 cao điểm phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp./.