Trả lời chất vấn của các ĐBQH về việc “Trung tâm y tế huyện trực thuộc sở y tế thì bất tiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 19 về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, tiếp theo đó là Nghị quyết số 20 về hệ thống y tế và Nghị quyết số 21 về công tác dân số.
Trong các nghị quyết đều khẳng định, mỗi huyện sẽ có một trung tâm y tế thực hiện cả chức năng dự phòng, điều trị và dân số, trừ những nơi có bệnh viện đạt tiêu chí bệnh viện cấp 2; và chịu sự điều hành, chỉ đạo chuyên môn thống nhất của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương; và sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương.
“Tuy nhiên, tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó có văn bản yêu cầu các địa phương để nguyên trung tâm y tế huyện trực thuộc sở và việc này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi đã nhắc vấn đề này nhiều lần và ngay cuối năm 2019, khi tôi được phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, chúng tôi đã bàn trong Ban cán sự. Sau đó, ngày 14/1/2020, Bộ Y tế đã có văn bản gửi tất cả UBND các tỉnh, thành phố khẳng định, việc sắp xếp các trung tâm y tế huyện hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và thay thế tất cả các văn bản của Bộ Y tế trái với tinh thần này. Đề nghị TP.HCM căn cứ vào văn bản đó để thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Về công tác chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví đây là một cuộc chiến. Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch theo Nghị quyết 128 và mọi diễn biến đang khởi sắc. Trong đó, chỉ số phục hồi COVID-19, theo nghiên cứu của Nikkei trước đây một tháng, Việt Nam đứng chót bảng, nhưng hiện đã ở giữa bảng xếp hạng. Nhưng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Trong những ngày gần đây số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng.
Là người trực tiếp theo dõi diễn biến dịch từ đầu, là người ở trong vùng dịch, Phó Thủ tướng đánh giá những ý kiến của ĐBQH sáng 10/11 về những bất cập, hạn chế trong chống dịch là “rất đúng”.
“Có những vấn đề mới xuất hiện trong lúc chúng ta chống dịch khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng có lúc cũng do những tồn tại không chỉ trong ngành y tế, mà trong cả quản lý điều hành xã hội nói chung. Tất cả ý kiến này, chúng ta sẽ phải nghiêm túc tiếp thu để từng bước chắc chắn nhưng cũng rất khẩn trương để khắc phục. Chúng ta không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi xảy ra nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, không chỉ lực lượng y tế, các lực lượng công an, bộ đội mà toàn bộ lực lượng cán bộ chính quyền cơ sở, lực lượng Đảng, mặt trận ở TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến nặng đều vô cùng vất vả. Các lực lượng đều bị quá tải.
“Tại Bình Dương, có những phường 18.000 người nhiễm bệnh. Cả ĐBSCL, dù ca mắc không quá cao, nhưng diễn biến dịch căng hơn dây đàn khi không có đủ vaccine và hệ thống y tế rất yếu. Dòng người về từ TP.HCM, Bình Dương rất lớn, giữ lại thì đó là người già, trẻ con… nhưng giải quyết đi thì hôm sau bà con sẽ về nhiều hơn. Đây là điều day dứt và tất cả các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đều vô cùng day dứt. Bây giờ chúng ta phải giữ vững thành quả này, nhưng bằng cách nào? Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 và đang soạn một chiến lược có thời hạn 2 năm để đất nước phục hồi trong và sau COVID-19”, ông Đam nói.
Việt Nam đã có vaccine, khi tiêm phủ vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ bị nhiễm sẽ chậm đi. Đặc biệt, kể cả tiêm một mũi vaccine nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng sẽ rất thấp. “Điều này cho phép chúng ta bình tĩnh hơn khi người dân được tiêm vaccine”.
Hiện nay, để tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho người lớn, miền Bắc thiếu 23 triệu liều và tuần thứ 4 của tháng 11/2021 sẽ phân đủ vaccine COVID-19 cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc.
Các tỉnh miền Trung cần thêm 5 triệu liều, tuần thứ 3 của tháng 11/2021 sẽ có đủ. Các tỉnh Tây Nguyên cần 2,5 triệu liều vaccine tuần thứ 2 tháng 11/2021 sẽ được cấp đủ. Các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Nam nói chung còn thiếu 4 triệu liều và tuần này sẽ được phân đủ.
“Chúng ta hiện nay chỉ tiêm và tiêm. Trước đây còn đắn đo đối tượng nào thì bây giờ tiêm gọn từng nơi, từng cụm. Dù đã tiêm vaccine, nhưng dịch vẫn lây nhiễm. Do đó chúng ta phải nhớ đây là giai đoạn “bình thường mới”, tất cả cần phải đeo khẩu trang. Quốc hội làm gương vẫn đeo khẩu trang. Toàn dân phải nhớ khẩu hiệu 5K. Nếu lây nhiễm nhiều người sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế. Chúng ta có tiêm hết 100% cho người từ 12 tuổi trở lên đến cuối năm nay thì chỉ mới được 80% và vaccine có hiệu quả bảo vệ khoảng 80%. Tức là mới có khoảng 64% được bảo vệ. Các đợt dịch vừa qua Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc COVID-19, nhưng vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng nói.
Để chung sống an toàn với dịch, Phó Thủ tướng cho rằng, khi đã tiêm vaccine thì chỉ cần thực hiện giám sát y tế thật nghiêm ngặt. Trong đó có câu chuyện về xét nghiệm, theo đó phải chủ động toàn bộ nguồn cung về các công nghệ, các sinh phẩm xét nghiệm. Khi bước vào tình trạng khẩn cấp hay thảm hoạ y tế, các lực lượng vẫn lúng túng. Do đó, cần tập huấn không chỉ về y tế, mà còn tập huấn cán bộ quản lý cấp cơ sở, cấp huyện.
“Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế trình và Chính phủ sẽ mua tập trung kit xét nghiệm với giá rẻ hơn. Điều quan trọng là chủ động cho các địa phương. Chúng ta cũng thực hiện cách ly theo phương thức mới, không phải cách ly như cũ để mọi người thực sự có được “bình thường mới” như các nước châu Âu đang làm. Chúng ta phải sẵn sàng về thuốc. Các loại thuốc thông thường, điều trị các triệu chứng chúng ta đã có đủ. Còn thuốc điều trị virus từ sớm cũng đã dự trù và đến bây giờ có thể nói là đủ. Điều quan trọng là chúng ta phải điều trị sớm và thực hành điều trị tại nhà. Đặc biệt, chúng ta cần phải tiếp tục giám sát với những người có bệnh nền, tuổi cao, nhất là học sinh vì các cháu sẽ chưa được tiêm vaccine. Chúng ta sẽ chỉ tiêm vaccine khi nào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị”, Phó Thủ tướng nói./.