Sáng 18/1, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra phiên họp của Nữ nghị sĩ - hoạt động mở đầu trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- TBD (APPF-26). Phiên họp đã ghi nhận rất nhiều tiếng nói mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Gần 100 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều đại biểu là nam giới. 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc tạo ra một diễn đàn riêng để thảo luận các mối quan tâm của phụ nữ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng. Dù thành lập 25 năm nhưng đây là lần thứ 3 trong khuôn khổ APPF có diễn đàn dành cho các nữ Nghị sĩ.

nu_nghi_si_blac.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TTXVN

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các nữ Nghị sĩ sẽ thảo luận về vai trò của Nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ - một cơ chế chưa chính thức trở thành cơ chế định kỳ của APPF.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đóng góp của Quốc hội Việt Nam cho sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam nói riêng và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn Nghị viện Châu Á- Thái Bình Dương nói chung.

Những thách thức...

Phát biểu đề dẫn phiên họp, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vẫn gặp những thách thức như: Phân biệt đối xử trên cơ sở giới;khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập; phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách; kết quả thực hiện đình đẳng giới vẫn còn khoảng cách với quy định của pháp luật; bạo lực với phụ nữ và trẻ em là một vấn nạn...

"Vậy các nữ nghị sĩ có thể đóng góp gì cho việc giải quyết những thách thức trên?" - bà Trương Thị Mai đặt vấn đề và nhấn mạnh, trước hết là vai trò đại diện để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để có những thay đổi sâu rộng về pháp lý bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia; tham gia vào các khâu trong quy trình quyết định chính sách; tham gia quyết định ngân sách, bảo đảm ngân sách có nhạy cảm giới; giám sát việc thực hiện các luật liên quan, các chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.

Toàn cảnh phiên họp

Nhiều tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy bình đẳng giới

Tham luận tại phiên họp, các nữ nghị sĩ đã chỉ ra rất nhiều bất bình đẳng còn tồn tại trong khu vực châu Á- TBD, đó là tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị còn thấp, nhất là phụ nữ tham gia Quốc hội. Bên cạnh đó, chỉ có 30% phụ nữ tham gia vào khu vực phi nông nghiệp, đây là tỷ lệ quá thấp so với thế giới.

Vẫn còn tình trạng phổ biến là phụ nữ làm việc không được trả lương, nhất là việc nhà hay cùng một công việc nhưng phụ nữ được trả lương ít hơn nam giới. Tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra ở nhiều quốc gia. Nhiều trẻ em gái không được đến trường. 

Các nữ nghị sĩ chụp ảnh lưu niệm

Rất nhiều kinh nghiệm hay về thúc đẩy bình đẳng giới đã được chia sẻ. Đại diện Quốc hội Hàn Quốc cho biết, nước này có đạo luật riêng quy định, một giới không được tham gia quá 60% vào một lĩnh vực, có quỹ riêng để giúp phụ nữ tham gia chính trị được cải thiện về tri thức, tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Đại diện đoàn Nga lại nhấn mạnh các biện pháp để hỗ trợ các bà mẹ chăm sóc con nhỏ để cải thiện tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh ở nước này như: cho phép sản phụ được nghỉ 3 năm để chăm sóc con cái, hỗ trợ tiền cho các bà mẹ nuôi con đến 18 tháng, hỗ trợ tiền nhà, tiền học mẫu giáo cho các bà mẹ có con nhỏ hay ưu đãi về vốn cho phụ nữ để họ cải thiện điều kiện sống của gia đình.

Đại diện Quốc hội Mông Cổ dành nhiều thời gian để nói về một đạo luật riêng chống lại bạo lực gia đình. Đoàn đại biểu Singapore lại chia sẻ kinh nghiệm về chính sách lao động cho phụ nữ lớn tuổi, giúp họ có thu nhập khi về hưu...

Đại diện đoàn Việt Nam nhấn mạnh những sáng kiến của các nữ nghị sĩ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới như: Thành lập Nhóm nữ nghị sĩ trong ba nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đưa vấn đề bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động chính của Quốc hội, bao gồm lập pháp, giám sát…

Quốc hội Việt Nam cũng tổ chức các khóa đào tạo và các chương trình nâng cao nhận thức để khuyến khích phụ nữ đủ trình độ tham gia Quốc hội và trang bị cho các nữ đại biểu các kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc của họ một cách hiệu quả. Kết quả là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên 26,72% so với hai khóa trước. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình toàn cầu 22,3%.

Phiên họp cũng nhận được sự thống nhất cao của các nữ nghị sĩ trong việc tạo ra một cơ chế chính thức dành cho các nữ nghị sĩ trong khuôn khổ APPF./.