Chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội đối với các cơ quan và cá nhân phụ trách bộ máy công quyền nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cử tri. Ngay từ khi Quốc hội mới được thành lập, việc chất vấn đã được thực hiện nghiêm túc trong không khí thực sự dân chủ của một quốc gia mới giành được độc lập.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 1 khai mạc ngày 23/10 và kéo dài 13 ngày cho đến ngày 9/11/1946 giữa lúc tình hình trong nước có nhiều biến động. Quân Pháp đã thay thế quân Tưởng; chiến tranh lan rộng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ…Do vậy, chương trình quan trọng nhất của kỳ họp này là thông qua được Bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ Luật lao động, nội quy và thông qua các báo cáo. Nhưng không khí sôi nổi hơn cả lại là khi các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

duong_trung_quoc_xgca.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn bộ các thành viên của Chính phủ trả lời hơn 80 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, tập trung vào việc thực hiện những chính sách của Nhà nước trong những ngày đầu độc lập. Phiên chất vấn đã diễn ra một cách rất dân chủ và kéo dài đến tận nửa đêm mới kết thúc.

Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn 1 năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”

Từ những hồi tưởng về một phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, về những khó khăn gian khổ mà các đại biểu phải trải qua cũng như những tình cảm yêu mến mà đồng bào, cử tri dành cho các đại biểu lúc bấy giờ, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thẳng thắn thừa nhận: “Cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng có những giá trị mà đến nay còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa. Chúng ta rõ ràng còn có 1 khoảng cách để đuổi kịp người xưa. Đó là điều suy nghĩ của chúng tôi khi nhớ lại 70 năm trước Quốc hội đầu tiên của chúng ta”.

Tinh thần dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt, đó là tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát. Đặc biệt, kỳ họp thứ 10 vừa qua chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn với việc các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể về cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ.

Các đại biểu Quốc hội và đa số cử tri đánh giá: Chưa khi nào, hoạt động của quốc hội lại sôi nổi, ấn tượng như kỳ này với tinh thần dân chủ, dám nói thẳng, nói thật. Phiên chất vấn này không chỉ giúp cử tri thấy được những vấn đề rất “nóng” của đời sống xã hội mà còn kiểm nghiệm được trình độ của đại biểu Quốc hội cũng như các vị tư lệnh ngành.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Đây thực sự là phiên chất vấn những vấn đề gai góc nhất không chỉ trong năm nay mà trong cả khóa. Các đại biểu chất các trưởng ngành tất cả các vấn đề mang tính hệ thống. Quy trách nhiệm của bộ trưởng từ lúc nhận chức cho tới bây giờ, những vấn đề gì gai góc cần giải quyết. Tôi cho rằng, đây là cách chất vấn làm tăng uy tín của quản lý nhà nước cũng như tìm ra những thiếu sót thời gian tới cần phải làm. Tôi cho rằng cách chất vấn của Quốc hội này đúng với mong muốn của cử tri cả nước cũng như mong muốn của tất cả các đại biểu Quốc hội”.

Hài lòng với cách thức đổi mới chất vấn, tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với những câu trả lời còn có phần vòng vo của các bộ trưởng, trưởng ngành. Bên cạnh đó, mặc dù ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, song các đại biểu đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết thấu đáo các vấn đề mà cử tri quan tâm như tình trạng tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng người nông dân được mùa mất giá; sự nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền...

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung

Theo bà Võ Thị Dung, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả cần phải có chế tài. Vì nếu không có chế tài, khó đánh giá được kết quả các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện những lời hứa đến đâu. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới đi đến cùng của vấn đề.

“Nghị quyết nhưng không có chế tài. Các tư lệnh ngành, các bộ trưởng hứa như vậy nhưng hết nhiệm kỳ mới có cuộc nhìn lại chứ không phải kiểm tra qua từng năm. Tính chịu trách nhiệm, nói cách nào đó là việc kỷ luật để buộc các bộ trưởng, tư lệnh ngành phải tập trung thực hiện đầy đủ tinh thần nghị quyết chưa có. Nghị quyết thì có nhưng không có chế tài cho nên cũng không xử lý được với những bộ trưởng, tư lệnh ngành không hoàn thành nhiệm vụ”, bà Võ Thị Dung nói.

Là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động chất vấn ngày càng chuyên nghiệp hiệu quả, từng bước đi vào thực chất với những vấn đề cử tri quan tâm và trở thành hình thức sôi động, hấp dẫn nhất trong hoạt động quốc hội. Với những đổi mới thời gian qua, cử tri hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian tới, hoạt động chất vấn của Quốc hội sẽ ngày càng sôi động hơn và giảm dần tính tham luận, tăng tính tranh luận với tinh thần chất vấn, truy vấn đến tận cùng vấn đề. Đó cũng chính là tư tưởng, tinh thần của một Quốc hội vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc được hun đúc suốt chiều dài lịch sử 70 năm qua./.