Điều 4 dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam vừa được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp 23, sáng 10/4 quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân”. Do còn có ý kiến khác nhau nên cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam.

Cần rạch ròi, minh định

Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Quan điểm của tôi là Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng và là lực lượng vũ trang. Còn các nghiệp vụ cụ thể thì điều chỉnh chức năng nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của luật này”.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh xây dựng luật là xác định rõ hơn nữa chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động nhằm phân định Cảnh sát biển với các lực lượng khác như Biên phòng, Hải quan, Kiểm ngư… để không chồng chéo hay có khoảng trống, nhất là trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

do_ba_ty_ewsr.jpg
Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ủng hộ sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng so với Pháp lệnh thì dự luật có đến 59 điều nhưng vẫn chưa bảo đảm tính cụ thể để khi luật này ra đời thì lực lượng Cảnh sát biển và cơ quan khác thuận lợi trong thực hiện pháp luật. Việc gì là chính, cái gì là phối hợp thì chưa rạch ròi, minh định.

“Tôi nghĩ quy định đây là lực lượng vũ trang và thuộc Bộ Quốc phòng, còn trong xử lý công việc thì pháp luật quy định và thể hiện thế nào cho phù hợp” – ông Uông Chu Lưu nêu quan điểm và bày tỏ băn khoăn rằng các lực lượng chấp pháp trên biển nhiều nhưng chưa rõ cơ chế kiểm tra, giám sát các lực lượng này để tránh vi phạm, do đó có điều khoản quy định thì tốt hơn.

Nhấn mạnh phải đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, do liên quan đến rất nhiều luật nên cần rà soát, điều chỉnh để không chồng chéo, nhất là về chức năng của các lực lượng đã được luật khác quy định.

Liên quan đến tổ chức, Chủ tịch Quốc hội phân tích, dự luật Cảnh sát biển Việt Nam thực chất là một luật về tổ chức, chuyên ngành nên quy định tổ chức trong luật này là hoàn toàn phù hợp.

Không tạo ra “điểm trống” nhưng tránh chồng lấn chức năng

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ một lần nữa khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật trên cơ sở nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trong bối cảnh thình hình thế giới khu vực có nhiều thay đổi, cũng như thực hiện Hiến pháp 2013 và chiến lược biển đến 2020, Nghị quyết 28 về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Quy định không tạo ra “điểm trống” trên biển nhưng tránh chồng lấn chức năng các lực lượng

Dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, đến nhiều luật và các văn bản khác và điều điều ước quốc tế (22 văn bản luật, 16 điều ước quốc tế). Đây là đặc thù của dự án Luật Cảnh sát biển, do đó cần rà soát để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đặc biệt là liên quan đến chức năng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.

“Những nội dung chưa được luật pháp quy định nếu được đưa vào dự thảo cần nghiên cứu kỹ, tránh mâu thuẫn về chính sách và phải khả thi. Luật cần tập trung quy định rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phối hợp hoạt động các nhiệm vụ cụ thể” – ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Nhấn mạnh quy định về vị trí, chức năng là nội dung quan trọng, chi phối toàn bộ nội dung dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

“So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung thay đổi đáng kể, trong thảo luận cơ bản nhiều ý kiến phân tích và tán thành xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cần tiếp làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này để đảm bảo tương đồng với các lực lượng khác” – Đại tướng Đỗ Bá Tỵ lưu ý và cho biết thực thi pháp luật trên biển hiện nay có nhiều lực lượng khác tham gia nên việc xác định chức năng của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra “điểm trống” trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích làm rõ, nghiên cứu kỹ để phân định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội là một cơ quan tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng luật này cần đi vào làm rõ cụ thể trình tự thủ tục, căn cứ thẩm quyền để xác định các nội dung hoạt động, cần phân định cụ thể biện pháp nghiệp vụ và biện pháp công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng cần được làm rõ thêm như nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển theo quy định; Các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ phải tuân thủ nguyên tắc chung của Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Những quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân như huy động người, phương tiện,… phải quy định rõ để phù hợp với Hiến pháp./.