Tiếp tục phiên làm việc, sáng 20/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Mô hình tổ chức chính quyền và phân định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cấp là nội dung nhận được nhiều các ý kiến thảo luận.
Thiết kế phương án không có HĐND phường
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận và ý kiến còn rất khác nhau. Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị 2 phương án.
Theo phương án 1, ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Theo Ủy ban Pháp luật, việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị theo như yêu cầu đã nêu trong Hiến pháp năm 2013. Phương án này cũng có sự kế thừa những kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội.
Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của Nhân dân. Thực tế trong lịch sử cũng đã từng có giai đoạn các đô thị ở nước ta không tổ chức các đơn vị hành chính phường (từ 1945-1980); khi đó, thành phố trực thuộc trung ương chia thành các khu phố (tương tự các quận bây giờ), dưới nữa có thể có các tiểu khu, nhưng chỉ thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính tại cấp thành phố và khu phố.
Phương án 2 tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.
Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án này thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này thì cần điều chỉnh lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp mới.
Ai giám sát quyền lực khi thiếu HĐND cùng cấp?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm ở đâu có chính quyền nhân dân thì ở đó phải có HĐND.
“Quyền lực cấp phường lớn thế, giải quyết nhiều vấn đề cả về kinh tế, an ninh, chính trị và có mối quan hệ sát với người dân nhưng sao không bị giám sát quyền lực? Nếu chỉ HĐND quận giám sát thì có làm nổi không?”, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, đồng thời đề nghị rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp để quy định rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tán thành quan điểm ở đâu có UBND thì phải có HĐND thay mặt nhân dân giám sát quyền lực: “Ở quận hay huyện thì cũng là tổ chức chính quyền nhà nước, có quyền lực thì tại sao nơi có HĐND, nơi thì không? Sự phát triển kinh tế ở quận, phường phức tạp không khác huyện, xã. Điều này cần nghiên cứu kỹ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh Hiến pháp thể hiện rõ nơi đâu có quyền lực thì nơi đó phải có sự giám sát của cơ quan đại diện nhân dân. “Cấp mình giám sát còn chưa xong thì chưa chắc cấp trên làm cả được cho cấp dưới. Nếu không tổ chức HĐND thì điều này giải thích với dân thế nào?”, bà Tòng Thị Phóng nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, kết quả giám sát của UBTVQH với hơn 10 tỉnh, thành phố thì có 8 địa phương đề nghị giữ các cấp như hiện nay, ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND. Vì qua thí điểm cho thấy, ở các quận, phường không có HĐND thì dù bổ sung người cho HĐND cấp trên, tăng cường giám sát của Mặt trận và các đoàn thể thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có 3 tỉnh, thành phố đề nghị tổ chức chính quyền theo mô hình đô thị- nông thôn nhưng trong mỗi tỉnh cũng còn chưa thật sự thống nhất ý kiến.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng: “Nhiệm vụ của HĐND phường ít lắm. Kinh tế chủ yếu quận làm. Còn phường hoàn toàn khác và nhiệm vụ nhẹ hơn xã rất nhiều vì xã còn quyết nhiều thứ. Tôi đồng tình bỏ HĐND cấp phường”.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ: Giám sát của nhân dân thông qua nhiều cơ quan. Không có HĐND ở cấp đó không có nghĩa là không có giám sát chính quyền. Cả 2 phương án đều có mặt này, mặt khác nên cần thảo luận, nghiên cứu kỹ.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Tờ trình chưa toát lên được vấn đề. Các cấp chính quyền địa phương chưa rõ: “Ở đâu có đơn vị hành chính là ở đó có chính quyền. Còn cấp chính quyền là khác: nơi 1 cấp, nơi 2 cấp, nơi 3 cấp… phù hợp với đô thị, nông thôn, hải đảo. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mô hình tổ chức phải rõ. Đây là trọng tâm của luật này”./.