70 năm trước, trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già, trẻ, gái trai đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện xứng đáng vào Quốc hội.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra ngày 6/1/1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những cử tri ngày đó.

Nhớ lại không khí Ngày Tổng tuyển cử cách đây 70 năm, ông Vũ Mạnh Kha (ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

bophieu_rhfk.jpg
Người dân lần đầu tiên đi bỏ phiếu (Ảnh TTXVN)

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, 7h ngày 6/1/1946, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chiêng... cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu.

Tất cả phố phường đều rợp cờ, pa nô, áp phích, băng rôn. Thủ đô thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng.

Ông Vũ Mạnh Kha nhớ lại: “Không khí những ngày tổng tuyển cử rất nô nức, người dân rất háo hức khi được thực hiện quyền công dân. Lúc đó, cử tri nào cũng có thể biết, lựa chọn người xứng đáng, người ta đã hoạt động cách mạng như thế nào và sẽ làm gì khi trúng cử. Ngày hội mới và quyền người dân được bầu cử nên rất phấn khởi”.

Trong ký ức của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Thanh Quất (ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) những ngày này 70 năm trước, tại địa phương khi đó không khí rất sôi nổi để chuẩn bị Tổng tuyển cử.

Các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Tại các điểm bầu cử đều treo cờ Tổ quốc, bên dưới là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên đầy đủ của các ứng cử viên. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri được như bây giờ, nhưng danh sách các ứng cử viên cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi và phổ biến rộng rãi tới cử tri.

Ông Nguyễn Thanh Quất cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và đã hoàn toàn thắng lợi.

Ông Nguyễn Thanh Quất kể: “Vinh dự năm 1946 là năm tôi đúng tuổi cử tri đi bầu cử. Với khí thế của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân khí thế sục sôi và bầu cử nghiêm túc. Bà con mặc dù đang học bổ túc vẫn đi bầu. Nhớ lại ngày bầu cử 6/1/1946 hết sức xúc động.70 năm Quốc hội trưởng thành, có nhiều tiến bộ so với trước và ngày càng khẳng định cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân”.

Năm 1946, ở trên quy mô cả nước, cả 71 tỉnh, thành phố đều tiến hành Tổng tuyển cử. Đã có tới 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt tỷ lệ 95%.

Những người biết đọc, biết viết thì tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen. Những người không biết chữ cố gắng tự học thuộc lòng mặt chữ để được tự tay viết lên lá phiếu đầu tiên trong đời.

Nhiều người đã khóc trong sung sướng vì với họ cả đời phải đi ở đợ, cả đời làm con ở, nay mới được thực hiện quyền dân chủ, được đi bỏ phiếu bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Không ai có thể tưởng tượng nổi, vào thời điểm cách đây 70 năm, đất nước vừa thoát khỏi cảnh lầm than, hơn 90% người dân còn mù chữ, vậy mà lại có một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh như vậy.

Ông Dương Trung Quốc phân tích: “Tiến hành Tổng tuyển cử trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là mọi công dân đều có quyền, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, không phân biệt các dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng…. Vào thời điểm cách đây 70 năm điều đó không phải phổ biến. Ngay ở một số nước Châu Âu, quyền bình đẳng về giới, để phụ nữ được tham gia bầu cử, ứng cử chưa phải đã phổ quát”.

Thắng lợi Tổng tuyển cử đầu tiên càng khẳng định niềm tin tuyệt đối của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đã 70 năm, qua 13 kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng những kỷ niệm về ngày tiến hành bầu cử Quốc hội khóa 1 năm 1946 sẽ mãi là những ký ức không bao giờ quên đối với đại biểu và cử tri khi đó./.