Chiều 8/11, phát biểu giải trình thêm vào cuối phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ 5 nội dung lớn: Chính sách an sinh xã hội; phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội; chăm lo các đối tượng yếu thế; kết quả triển khai các gói hỗ trợ; đào tạo bồi dưỡng nhân lực và chăm lo phục hồi thị trường lao động.

Về vấn đề an sinh xã hội Bộ trưởng cho biết hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam từng bước hình thành 3 chức năng cơ bản: Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Về việc ban hành và triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Dung báo cáo với Quốc hội rằng tương đối chủ động, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, tình huống cụ thể.

Trong công tác phòng chống dịch, nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp tình thế trong trường hợp đặc biệt đã được ban hành.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động (đạt 85%) với 20.644 tỷ đồng.

Về thị trường lao động, theo báo cáo của các tỉnh phía Nam và rà soát, tình hình phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất 50-80%, số lao động phục hồi 70-75%, cá biệt có địa phương tới 90%. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo đến hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp, thị trường lao động có khả năng phục hồi trở lại bình thường./.