Báo cáo Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 trong phiên họp ngày 24/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh việc triển khai quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án quan trọng phát triển đất nước như: Tiếp tục kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; Triển khai, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp;
Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng Ngân sách Nhà nước (Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao).
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất; Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.
Hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội; Chuyển dịch gần 76.000 ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị; Đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000 ha đất.
Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24.000 người.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ thừa nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là, một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định.
Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục, đến ngày 31/12/2020 còn nợ 07 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng chưa được ban hành.
Đánh giá về kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, thay mặt Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý, Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh giản; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư và hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đấu thầu; một số sáng kiến trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai giúp tiết kiệm NSNN…
Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đáng chú ý là tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra; Một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%; Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục. Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm…/.