Sáng 22/7, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước NSNN) năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu NSNN 1.411.300 tỷ đồng, quyết toán 1.553.611,589 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ các khoản thu về nhà, đất, thu khác ngân sách, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Chất lượng dự báo hạn chế

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trong điều kiện kinh tế - xã hội trong, ngoài nước biến động khó lường nên việc dự báo sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện thu chênh lệch khá lớn, tăng 10,1% so với dự toán.

“Điều này thể hiện chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế, đặc biệt là việc ước thu năm 2018 để xây dựng dự toán thu năm 2019 chênh lệch lớn so với thực hiện. Số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của nhà nước, thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên. Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường chỉ rõ.

Một số địa phương báo cáo dự toán thu chưa tích cực nên giao dự toán thu cao hơn ngay sau khi Quốc hội quyết định dự toán. Một số bộ, cơ quan Trung ương lập dự toán chi không sát thực tế và khả năng đáp ứng của NSNN; có trường hợp chưa đúng qui định; việc giao kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân nên tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều trường hợp phải giảm kế hoạch, hủy bỏ vốn lớn; vẫn phân bổ vốn nhiều lần trong năm, cho dự án chưa đủ thủ tục, chưa có trong kế hoạch trung hạn, chưa đúng thứ tự ưu tiên.

Năm 2019 được đánh giá là năm đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế nhưng có tới 4/7 khoản thu nội địa không đạt dự toán, đáng lưu ý, số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của 3 khu vực (khu vực DNNN, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh) 3 năm liên tiếp không đạt dự toán.

“Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này; có giải pháp phát triển 03 khu vực SXKD, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, bội chi NSNN năm 2019 bằng 2,67% GDP, giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán cho thấy Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi. Tuy nhiên bội chi NSNN giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đồng thời còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao.

Năm 2019 mức tăng nợ công có xu hướng giảm so với các năm trước; các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn cho phép; nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của NSNN, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với quy định hiện hành để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, bảo đảm thực hiện tốt vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán./.