Sáng nay (19/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Điểm đáng lưu ý là luật quy định số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo đó, số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định

Báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã được bổ sung, chỉnh lý để làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trách nhiệm trong việc tổ chức điều hành...

ky_hop_thu_9_ndee.jpg
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Theo đó, bổ sung quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.

Bổ sung quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm “về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ, về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; có trách nhiệm “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung các nội dung liên quan nguyên tắc “đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”; “cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên” để làm rõ tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.