Ngày 17/1, tại Nghệ An, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tham dự có Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ; đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Nghệ An và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

sua_luat_vov_kprm.jpg
Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ; góp phần đưa công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện một số quy định của các luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Các ý kiến cho rằng, bất cập nhất là ngành giáo dục và y tế, 2 ngành cơ bản cán bộ có trình độ cao. Một thực tế, các địa phương đã chuyển giáo viên sang làm công tác đoàn thể rất nhiều. Vì vậy việc xem xét điều chuyển công chức viên chức phải làm sao cho hợp lý.

Ông Nguyễn Hải Dũng, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định nêu vấn đề cụ thể. Phòng Giáo dục là cơ quan tương đối đặc thù, phải là giáo viên thì người ta mới nắm được chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục. Cho nên phải đưa những giáo viên giỏi ở các trường lên phòng giáo dục làm việc thì người ta mới quản lý, nắm được, nhưng lại không có cơ chế để chuyển họ sang thành công chức. Đâu cứ phải 5 năm quản lý ở dưới trường thì mới được về làm công chức ở phòng giáo dục. Với ngành giáo dục, ngành y tế, chuyển từ viên chức sang công chức là rất khó khăn.

Để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các đại biểu đề xuất cụ thể, không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Bỏ quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Ông Mai Xuân Diến, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa nêu ý kiến: "Trưởng đoàn thể cấp xã đang từ xóm, từ thôn, rồi từ chuyên trách bầu vào chức danh trưởng đoàn thể là đương nhiên có chế độ chính sách và gần như tồn tại suốt đời, tôi cho rằng chỗ này không thể liên thông được. Cần phải quy định rất rõ. Theo tôi đề xuất là phải phân biệt rõ công chức nhà nước, viên chức nhà nước và công chức xã để quy định tiêu chuẩn, vấn đề chuyển đổi rồi chính sách chế độ rồi viên chức lãnh đạo không phải công chức nhà nước".

Các đại biểu cũng thảo luận công tác hoàn thiện quy định về vị trí, việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, giao Chính phủ quy định tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công vụ. Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy . Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng định lượng, xuyên suốt, đa chiều. Quy định cụ thể thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ông Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ: "Liên thông giữa công chức viên chức và những đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn là vấn đề, nhưng mà hướng sắp tới lâu dài, đã là đơn vị sự nghiệp, thì không có công chức ở đây. Hiện nay chúng ta đang phân công công chức làm người đứng đầu ở các đơn vị sự nghiệp công lập; không biết các tỉnh thế nào nhưng ở Quảng Nam cũng một thời gian đi giải thích, giải trình cho các đồng chí được phân công cũng mệt lắm. Đang ở bên này được hưởng chế độ công vụ, sang đơn vị sự nghiệp công lập là mất chế độ công vụ. Nhưng đây là yêu cầu của Đảng, nên cũng rất tâm tư. Vì đơn vị sự nghiệp không được hưởng 25% công vụ".

Các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập; thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Quy định thống nhất về chế độ đối với viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc; liên thông trong việc chuyển đổi giữa viên chức với cán bộ, công chức và giữa cán bộ, công chức với viên chức./.