Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV mới đây, Chính phủ đã có một báo cáo khá chi tiết về những việc đã thực hiện để tiết kiệm. Đó là việc cắt giảm tuyệt đối hoạt động khởi công, khánh thành, cắt giảm đoàn đi nước ngoài… Thậm chí có những số liệu minh chứng rất cụ thể, đó là những sáng kiến trong việc xét nghiệm Covid-19 gộp để tiết kiệm tiền.
Đánh giá cao điều này, tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, những việc đang gây lãng phí khiến cử tri và nhân dân bức xúc nhất hiện nay thì báo cáo mới chỉ điểm danh, kể tên, chứ chưa đánh giá một cách sâu sắc, cụ thể như những việc đã làm để tiết kiệm.
Một trong những lãng phí rất lớn, theo ông Hoàng Văn Cường phải kể tới là trong lĩnh vực đầu tư công, trong thực hiện các dự án đầu tư. Ông Cường cho rằng, thực hiện giải ngân đầu tư công chậm sẽ là một việc gây lãng phí rất lớn khi chúng ta đã huy động tiền vốn. Chúng ta vẫn phải trả lãi tiền vốn đó, trong khi vốn lại “nằm yên” ở Kho bạc, trong ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình.
Còn khi công trình triển khai chậm tiến độ, toàn bộ vốn đưa vào công trình đó không thể trở thành tài sản đưa vào sử dụng. Như vậy, chúng ta vẫn trả tiền lãi cho toàn bộ vốn huy động này. Đấy là phần lãng phí của xã hội. Những công trình triển khai không đúng tiến độ lại kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy lại gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan. “Những vấn đề này chúng ta vẫn chưa có đánh giá”, ông Cương nói.
Lãng phí trong đầu tư công mà ai cũng nhìn thấy rất rõ là những dự án đầu tư xong nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao - một sự lãng phí từ quyết định đầu tư dẫn đến quá trình sản phẩm tạo ra không mang lại lợi ích xã hội.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội bày tỏ, đất nước còn nghèo, nhưng nhiều hoạt động đầu tư không được tính toán một cách chắc chắn và ổn định. Đó là hình ảnh trên nhiều tuyến phố, con đường, hôm nay, công trình làm việc này đào lên lấp xuống, ngày mai công trình khác lại đào lên, lấp xuống. “Sự lãng phí đó là do không có sự phối hợp, không có sự tính toán một cách chắc chắn về bước đi”, ông Cường nhấn mạnh.
Ở một cách tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, dẫn quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cho rằng, lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Sử dụng vượt định mức tiêu chuẩn, chế độ nhưng không đạt được mục tiêu. Nhưng trong thực tế, khi trình các kế hoạch dự án, các đơn vị đều thực hiện đúng định mức, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khi đề nghị tăng vốn thời gian cũng đều có lý do chính đáng nên khó đánh giá được mức độ lãng phí. Nếu không tăng vốn thời gian thì không hoàn thành, gây lãng phí nhiều hơn.
Đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được đưa ra để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của doanh nghiệp, dân doanh. Địa phương có chỉ số PCI tốt thì đầu tư nơi đó được phát triển, kinh tế - xã hội phát triển và chỉ số PCI đã thúc đẩy các tỉnh phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.
Đặt vấn đề như vậy, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nên có chỉ số riêng về sử dụng ngân sách, như chỉ số sử dụng ngân sách cho giao thông, cho nông nghiệp, cho môi trường, cho giáo dục, cho y tế… sẽ dễ dàng so sánh hiệu quả sử dụng ngân sách của các địa phương trên cùng lĩnh vực, qua đó cũng dễ dàng đánh giá việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách đối với kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu, đối với giao thông, cùng 100 tỷ đồng từ ngân sách, mỗi địa phương làm ra được bao nhiêu đơn vị đường, đường cao tốc, đường đồng bằng, đường miền núi. Đối với đường cao tốc, nếu có nhiều đường nối đến các đô thị hiện hữu hay tạo ra các đô thị mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đường cao tốc thì cũng được cho là hiệu quả.
Khi đó, địa phương nào phát huy được lợi thế lĩnh vực nào thì được ưu tiên lĩnh vực đó theo nguyên tắc của lợi thế cạnh tranh và cũng là mô hình để các địa phương khác học tập và trao đổi. Nếu địa phương nào không có lợi thế riêng thì vẫn được hỗ trợ theo nguyên tắc lợi thế tuyệt đối.
"Với việc hình thành các chỉ số cụ thể và hiệu quả sử dụng ngân sách thì trách nhiệm của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ được tăng lên, lợi thế riêng của từng địa phương sẽ được phát huy tốt hơn và lúc đó sẽ có nhiều số định lượng để chúng ta phân tích ngân sách tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản nhà nước đòi hỏi phải có đầy đủ các cơ chế, chính sách, các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các quy định về định mức tiêu chuẩn chuyên ngành, các tiêu chí cụ thể trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng nhà công, đất công, quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
“Quan trọng hơn hết trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chính là ý thức của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đại biểu Hoàng Thị Đôi chia sẻ./.