Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 về dự án Luật An toàn thông tin vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về hệ luỵ tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên cũng như đối với đời sống chính trị xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, điều đó đòi hỏi các văn bản luật phải làm sao vừa giúp quản lý an toàn thông tin nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân.
Vụ nữ sinh 15 tuổi tự tử và vấn đề an toàn thông tin mạng
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, để đảm bảo an toàn thông tin, mỗi nước có nhiều đạo luật điều chỉnh khác nhau. Đơn cử, như để đảm bảo an toàn cáp quang trên biển thì Australia, New Zeland có một đạo luật riêng. Về đảm bảo an toàn thông tin cá nhân các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… ban hành luật riêng.
Việt Nam giờ mới xây dựng luật nhưng lại “gom” tất cả, trong đó có an toàn thông tin mạng vào một luật. Có những nội dung các nước có luật riêng thì ta chỉ đưa vào thành một chương. Nhưng dù sao chúng ta vẫn phải làm và đây là thách thức lớn đối với cơ quan soạn thảo để luật ban hành có tính khả thi, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son |
Đề cập vụ việc nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử do không chịu nổi áp lực dư luận khi bị chính bạn trai tung clip sex lên Facebook, Bộ trưởng cho biết đó là loại thông tin riêng của 2 người. Hành vi của người bạn trai vi phạm đạo đức và trách nhiệm xã hội cần bị xử lý. Từ đó cũng đặt ra vấn đề an toàn thông tin trên mạng mà cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT-TT.
“Người thanh niên kia đã bị khởi tố và sẽ được các cơ quan điều tra, xét xử nghiêm. Anh phát tán những thông tin không tốt dẫn tới tổn hại những thành viên trong xã hội thì cần phải đấu tranh về mặt giáo dục cũng như hình sự”, ông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Về mặt quản lý, Bộ trưởng cho biết khuyến cáo tất cả các nhà mạng khi phát hiện ra những nội dung tương tự thì phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
Đối với trách nhiệm cá nhân của mỗi người khi tham gia mạng xã hội, luật cũng thiết kế nhằm tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ mình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa thông tin tốt, phù hợp pháp luật, đạo đức xã hội lên mạng.
“Bản thân tất cả chúng ta phải có ý thức đưa thông tin tốt lên mạng. Khi phát hiện những thông tin xấu gây ảnh hưởng lớn tới xã hội thì nhanh chóng thông báo để giúp cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời hơn, nhanh nhạy hơn. Vì lượng truy cập, sự lan truyền những thông tin xấu ngày càng tăng sẽ tạo áp lực và có thể dẫn đến bế tắc”, Bộ trưởng lưu ý.
Khó xử lý Facebook mạo danh lãnh đạo cấp cao
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chống lại những thông tin, luận điệu xấu, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, từ khi có quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin, cơ quan bộ ngành, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin thường xuyên hơn, hạn chế được thông tin nhiễu tạp.
“Trước đây có thể 3 tháng mới họp báo một lần, nhưng nay hàng tháng các bộ, ngành phải cung cấp thông tin công khai trên trang điện tử của mình. Việc đột xuất trước đây sau 2 ngày mới cung cấp thì nay thông tin nào có mức độ ảnh hưởng lớn tới xã hội phải cung cấp ngay tức thì. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị chưa triển khai tốt nên vừa rồi Thủ tướng đã chỉ đạo, nhắc nhở”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
“Bây giờ nói cấm mạo danh trên facebook thì việc đưa ra chế tài cấm là một thách thức. Xã hội tiến tới tất cả hành vi đều có thể quản lý được và thực tế cơ quan chức năng cũng đang tìm cách tiến tới giải quyết. Chúng ta khuyến khích tự do thông tin nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiến pháp ghi nhận mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin, nhưng nếu tự do này dẫn tới phương hại tới lợi ích, tự do của người khác thì phải bị xử lý.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, mọi người có quyền tự do lập Facebook, nhưng nếu dùng Facebook cá nhân đăng thông tin bôi xấu người khác là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của người khác nên sẽ bị lên án, đấu tranh; chưa kể nếu nói xấu Đảng, Nhà nước thì cần phải nghiêm trị.
Hiện có không ít trang Facebook cá nhân mạo danh người khác, trong đó cả mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý những trang này, theo ông Nguyễn Bắc Son là rất khó vì máy chủ đặt ở nước ngoài.
“Theo quy định tại Nghị định 72, khi đăng ký cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng thì buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt ít nhất 1 máy chủ ở Việt Nam để có thể quản lý được và dễ dàng giải quyết những vấn đề phát sinh. Có nhiều ý kiến phản đối nhưng vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, an ninh quốc gia thì chúng ta vẫn phải làm và quyết tâm làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.