Sáng 8/10, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành của thành phố và một số cơ quan đóng chân trên địa bàn thành phố đóng góp vào dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

doan-db-ha-noi.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Nhận xét về dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá Dự thảo đã bổ sung, sửa đổi nhiều chương điều, khắc phục được những hạn chế của Luật hiện hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể về việc rà soát xác định định mức, tiêu chuẩn vì đây chính là thước đo để đánh giá mức độ tiết kiệm, mức độ lãng phí.

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách Lao động Việc làm – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội góp ý việc xây dựng định mức cũng cần được thẩm định, giám sát chặt chẽ để tránh lãng phí từ gốc: “Đề nghị xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, và yêu cầu chống lãng phí trong từng phạm vi một. Điều 11 quy định về chế độ, định mức, điều này rất quan trọng. Nội dung đó mới đánh giá được đơn vị ấy, cá nhân ấy có tiết kiệm được hay không? Vì nếu ta cho định mức cao rồi thì lúc sử dụng không hết lại được cho là tiết kiệm”.

Đại diện nhiều sở, ban ngành của thành phố đề nghị dự luật cần quy định rõ việc công khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cũng như công khai các tiêu chuẩn, định mức trong từng lĩnh vực để thuận lợi cho việc giám sát. Việc quy định quyền giám sát của công dân cùng với các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hết sức cần thiết, tuy nhiên quy định như trong dự thảo còn thiếu cụ thể dẫn tới khó phát huy được quyền giám sát của người dân.

Bà Bùi Thúy Mơ, Phó trưởng Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị: “Khoản 1, điều 6 có quy định công dân có quyền giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, gián tiếp. Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các hình thức dân chủ trực tiếp ví dụ như tố giác, khiếu nại, tố cáo. Hình thức dân chủ gián tiếp như giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận để đảm bảo tính phổ thông dễ hiểu cho mọi tầng lớp nhân dân”.

Nhiều đại biểu cũng góp ý việc quy định thành lập hội đồng kỷ luật, xác định trách nhiệm trong việc để xảy ra lãng phí. Đồng thời cần quy định rõ những chế tài để xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp để xảy ra lãng phí./.