Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đồng ý coi giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệplà môn học chính khóa. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, các trường phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức của giáo viên cũng như học sinh về vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và ý thức bảo vệ Tổ quốc.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Lê Hiền Vân (đoàn Hà Nội) cho rằng, giáo dục quốc phòng- an ninh là nhiệm vụ hết sức cần thiết cho thế hệ trẻ, bởi sẽ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Vì thế nên được coi là môn học chính khóa. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, nhà trường và giáo viên cần biết chắt lọc những kiến thức tinh túy và cần thiết nhất về an ninh-quốc phòng, tránh tình trạng dạy học dàn trải.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến |
Chương trình giáo dục phổ thông đang có nhiều môn học với thời lượng quá nặng, nếu có thêm môn giáo dục quốc phòng-an ninh vào nữa thì sẽ khiến học sinh phải học nhiều hơn. Tuy nhiên, trong chương trình học, không thể không có môn giáo dục quốc phòng- an ninh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ giảng dạy môn học quốc phòng-an ninh trong trường học phải đáp ứng đủ tiêu chí để học sinh hứng thú, hấp dẫn và yêu thích môn học này. Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu ý kiến như vậy và cho rằng, môn học quốc phòng-an ninh có thể được giảng dạy theo hình thức ngắn ngày.
Ngoài giáo dục quốc phòng-an ninh trong trường phổ thông, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần quy định đây là môn học bắt buộc trong các trường đại học, cao đẳng.
Tuyên truyền, giáo dục quốc phòng an ninh sâu rộng trong nhân dân
Theo đại biểu Phạm Văn Tam (đoàn Hà Nam), không chỉ giáo dục quốc phòng-an ninh trong các trường học trong cả nước, chúng ta cần giáo dục môn học này trong tầng lớp nhân dân. Phổ biến quốc phòng, an ninh cho toàn dân là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, giúp cho người dân hiểu được chủ quyền quốc gia và có ý thức bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ với quan điểm trên, Đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, chúng ta cần bảo đảm cho người dân có nhận thức về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ; các biện pháp phòng thủ dân sự; trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, việc giáo dục về an ninh quốc phòng cũng cần đặc biệt được tuyên truyền tới các doanh nghiệp, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc.
Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, hình thức tuyên truyền, giáo dục quốc phòng an ninh tới đông đảo dân cư nên được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư ở thôn, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và thông qua các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.../.