Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, để bảo vệ an toàn người tố cáo, dự thảo đã quy định người bị tố cáo được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đồng tình với quy định trên nhưng cho rằng biện pháp vẫn chưa đủ. Bởi thực tiễn đến kỳ bầu cử, kỳ đại hội hay bổ nhiệm cán bộ, do động cơ “không thích thì đạp đổ” nên viết đơn thư nặc danh làm hại người ta. “Được vạ thì má đã sưng”, đây là thực tế mà Quốc hội cần cân nhắc bảo vệ” – ông Nguyễn Hữu Cầu lưu ý nhưng cũng nhấn mạnh người tố cáo cần được đối xử một cách bình đẳng.

vov_nguyen_huu_cau_nghe_an_wqis.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu trên hội trường tại kỳ họp thứ 4

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét, giải quyết tố cáo cán bộ công chức viên chức đã nghỉ hưu. Vì trong thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi nhiều cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu đã không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

“Chính vì thế báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, để thể hiện thực trạng đáng buồn đó” – ông Cầu nói và đặt câu hỏi tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật ko điều chỉnh?

Lý do thứ hai là luật Luật PCTN năm 2005 quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng: Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. Hiện nay, Luật PCTN sửa đổi, nguyên tắc này vẫn được xác lập, không lẽ giờ triển khai ngược?

Cũng theo đại biểu, gần đây người dân cả nước vui mừng khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của quan chức đã về hưu, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn, được xã hội đồng thuận cao. Đó là những căn cứ rất thuyết phục.

“Còn Ban soạn thảo cho rằng Luật cán bộ công chức viên chức không quy định trách nhiệm của người nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm là không thuyết phục. Quốc hội sẽ sửa đổi luật này vì đã hơn 10 năm, không còn phù hợp với thực tiễn” – ông Cầu nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Thápđề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi còn là công chúc bị vi phạm pháp luật mà chưa phát hiện.

Theo ông Hoà, mặc dù Luật công chức, viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không qui định sẽ bỏ sót vi phạm, dễ dẫn đến “hạ cánh là an toàn”.

Cần bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại?

Về câu hỏi có nên tiếp nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại hay không, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình vì cho rằng quyền tố cáo được hiến định và theo luật quy định, cơ quan tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo qua các hình thức theo quy định của pháp luật.

Ủng hộ bổ sung các hình thức tố cáo trên, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh thêm cần có địa chỉ cụ thể của người gửi. Đó cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) 

Trường hợp nhận được thông tin về hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua các hình thức trên, thì người tiếp nhận  báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị không xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh để tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo tràn lan, không đúng sự thật.

Điều này nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để để trả thù riêng hoặc đến bầu cử ứng cử... làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự người khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tiễn, có trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập ngại và chạm nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm nhiều bằng chứng, chứng minh các hành vi vi phạm như băng hình, ghi âm, tài liệu ... thì người tiếp nhận đơn báo cáo Thủ trưởng xem xét kiểm tra, cần thiết thì phân công người thẩm tra, nếu đúng như trong đơn thì thực hiện theo qui trình tố cáo./.