Liệu có nên đưa quy định về giải quyết tố cáo nặc danh trong Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)? Việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc này đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Tiến Đạt- Phó trưởng ban Tiếp công dân Trung ương về vấn đề này.

to_cao_wddu.jpg
Có nên đưa quy định về giải quyết tố cáo nặc danh trong Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Ảnh minh họa.
PV:Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn luận, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Tiến Đạt: Trong quá trình xem xét, sửa đổi Luật Tố cáo hiện nay có 2 luồng quan điểm: thứ nhất cho rằng không xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh, có thể có việc lợi dụng quyền tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền lợi, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố cáo; mặt khác, trong trường hợp tố cáo sai sự thật thì rất khó có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm của người tố cáo. Hiện nay, trong Luật Tố cáo có quy định nghiêm cấm việc tố cáo sai sự thật hoặc lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, xuyên tạc.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng có thể do người tố cáo sợ bị trả thù, trù dập và đe dọa nên dấu tên, địa chỉ. Trong khi đó có thể có những vụ việc nội dung tố cáo rõ ràng, với đầy đủ thông tin, tài liệu chứng cứ chứng minh cho hành vi tố cáo, nếu không được xem xét thì có nguy cơ bỏ sót một số vụ việc vi phạm pháp luật không được xử lý kịp thời.

Hiện nay, theo dự thảo Luật Tố cáo đang được trình ra Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến và xem xét quyết định thể hiện theo hướng Luật Tố cáo tới đây không quy định giải quyết tố cáo nặc danh.

Tuy nhiên, qua thực tế xử lý đơn thư, chúng tôi thấy rằng trong tố cáo nặc danh, ngoài những tố cáo với động cơ và mục đích xấu, lợi dụng việc tố cáo để gây mất uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ, thiết nghĩ trong quá trình sửa đổi Luật Tố cáo cũng cần có quy định xem xét và xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

PV:Các hình thức tố cáo mà người dân cho rằng khá hiệu quả trong công tác phòng chống tiêu cực đó là qua thư điện tử, điện thoại, fax, không ít trường hợp tiêu cực được lôi ra ánh sáng từ những thông tin này. Theo ông, các hình thức này có nên được quy định rõ trong Luật để xem xét, giải quyết không?

Ông Lê Tiến Đạt: Có hai hình thức tố cáo, đó là tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo. Trong khi đó, Luật phòng chống tham nhũng và Nghị định số 59 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tham nhũng quy định nhiều hình thức tố cáo hơn, trong đó bao gồm có tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử.

Hiện nay, có sự không thống nhất trong quy định giữa Luật Tố cáo và Luật phòng chống tham nhũng. Thiết nghĩ khi xem xét, sửa đổi Luật Tố cáo nên nghiên cứu để có một quy định phù hợp, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Tố cáo và Luật phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

PV: Việc bảo vệ người tố cáo như thế nào cũng là điều đáng bàn khi trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tuy đã được quy định nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ông bình luận như thế nào về việc này?

Ông Lê Tiến Đạt: Trong dự thảo Luật Tố cáo tới đây có quy định rõ hơn, cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng, thời hạn, các biện pháp bảo vệ người tố cáo; bảo vệ tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo. Quy định càng cụ thể, rõ ràng hơn thì việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn quyền tố cáo theo quy định.

PV:Xin cảm ơn ông./.