Ngày 22/3, Quốc hội dành gần 1 ngày làm việc để nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kì của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, các báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đồng thời tin tưởng đây sẽ là kinh nghiệm quý giá cho nhiệm kì tiếp theo.

thu_tuong_boft.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Hoàng Long)

Qua theo dõi các báo cáo, đại biểu Thào Xuân Sùng, đoàn Sơn La đặc biệt quan tâm đến báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bởi mọi hoạt động của đất nước điều thể hiện ở công tác điều hành của Chính phủ. Theo ông Thào Xuân Sùng, báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội đã nêu rõ những thành tựu, đồng thời thẳng thắn, nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng chưa xử lý được trong nhiệm kỳ vừa qua, từ khâu hoạch định thể chế đến tổ chức thực hiện.

Ông Thào Xuân Sùng tin rằng, từ báo cáo này, sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

“Tôi rất hi vọng, từ báo cáo này, Chính phủ khóa mới sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác điều hành, làm sao để gần dân hơn, sát dân hơn, lấy được những nguyện vọng mang tính phổ biến của nhân dân để Chính phủ điều hành. Ở đây điều hành chính là khâu thể chế đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội thành những giải pháp cụ thể trong điều hành, làm sao có hiệu lực, hiệu quả và đồng bộ”, đại biểu Thào Xuân Sùng nói.

Đại biểu Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu (Ảnh: Hoàng Long)

Đại biểu Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu nhận định, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, những thành tựu kinh tế xã hội đạt được là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó trực tiếp là vai trò điều hành của Chính phủ và Thủ tướng.

Theo ông Bùi Đức Thụ, điểm mới trong điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ qua là khi tình hình có thay đổi, đã kịp thời đề xuất với Quốc hội sửa đổi cơ chế, chính sách. Như chuyển từ chủ trương chú trọng tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng yếu, điều chỉnh các cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, điều chỉnh các luật thuế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

“Về công tác của Chính phủ, ngoài việc đổi mới, cải cách trong quản lý điều hành kinh tế xã hội, điểm sáng nổi lên là đẩy mạnh cải cách hành chính Trong nhiệm kỳ qua, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội được Chính phủ quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt. Phát huy những thành tựu đó, vấn đề cải cách hành chính cần được nhân rộng, mở rộng và thực hiện một cách quyết liệt hơn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội”, ông Bùi Đức Thụ nói.

Đối với báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, báo cáo đã cho thấy toàn diện các mặt công tác của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII, ở công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đánh giá cao những thành tựu cụ thể và những đổi mới của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Vũ Xuân Hồng, đoàn Phú Thọ cho biết, tham gia 4 khóa Quốc hội, song ông thấy Quốc hội khóa XIII đã để lại ấn tượng nhiều nhất về công tác lập pháp, nhất là quá trình sửa đổi Hiến pháp với việc ban hành Hiến pháp 2013. Quốc hội cũng đã ban hành khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng được nâng cao. Điều này cho thấy năng lực xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội được nâng lên.

“Hàng loạt các bộ luật, luật được xây dựng, sửa đổi và quan trọng hơn cả là tất cả những hướng dẫn, thực hiện luật đó đều làm cho Hiến pháp được thực hiện tốt nhất. Chúng ta mới có 2-3 năm thực hiện nhưng đã thấy hiệu quả rất lớn. Vì vậy, có thể nói rằng ấn tượng lớn nhất trong kì Quốc hội này là chúng ta đã cùng nhau có một bản Hiến pháp mới phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước”, đại biểu Vũ Xuân Hồng nhấn mạnh.

Các đại biểu cho rằng, những nhận định thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ những yếu kém và rút ra bài học kinh nghiệm trong các báo cáo công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ là cơ sở để nhiệm kỳ tiếp theo, bộ máy lãnh đạo của đất nước sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới./.