“Cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, trường hợp cụ thể được phép nổ súng”. Đây là một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp chiều 16/9 khi cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thời gian qua. Nhất là tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đây là Luật rất quan trọng, có tác động đến quyền sống, tính mạng, sức khỏe của con người nên việc tổng kết thực tiễn thi hành pháp lệnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ tổng kết công tác quản lý thời gian qua, chứ chưa có đánh giá về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào, nhất là các trường hợp được nổ súng trong thời gian qua có vấn đề gì không.
Bà Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Việc sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thời gian qua đặt ra vấn đề gì bức xúc, vấn đề gì người dân quan tâm nhiều. Có hay không có những trường hợp lạm dụng trong sử dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Đặc biệt đối với lực lượng làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết tin báo, điều tra ban đầu thì việc sử dụng công cụ hỗ trợ thời gian qua có vấn đề gì? Những vấn đề đó hoàn toàn vắng bong trong báo cáo tổng kết”.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với quy định nổ súng như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự để quy định bảo đảm chặt chẽ hơn.
Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, còn chung chung, khó phân biệt trường hợp nào cần thiết hay không cần thiết phải nổ súng, vì vậy, cần quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự.
Cũng có ý kiến đề nghị trong Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng. Những trường hợp nổ súng cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.
Về đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, quy định bổ sung đối tượng Cảnh sát biển, Cơ yếu, Công an xã, vì những lực lượng này hiện đang được trang bị, sử dụng. Có đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí quân dụng vì cho rằng, đây là cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm./.