Cho rằng nhìn vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ nhìn vào các vụ án mà phải nhìn tổng thể cả việc xử lý hành chính, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, vì ẩn sau đó là có dấu hiệu tham nhũng, nhất là liên quan đến việc quản lý tài nguyên.

PV: Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhận định tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tăng, quan điểm của ông thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Đương: Ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã rất tích cực. Đánh giá chung của Đảng và cử tri thì tình hình tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp.

Đi vào thực tế, số vụ việc phát hiện, xử lý có xu hướng giảm, đặc biệt giảm nhiều. Nhưng số vụ việc phát hiện ra không đồng nghĩa với việc tham nhũng trên thực tế xảy ra. Vấn đề là phải làm sao để nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng.

do_van_duong_ojdl.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương

PV: Ông đánh giá thế nào về con số 1,2 triệu người kê khai tài sản tham nhũng, chỉ xác minh được 1.200 trường hợp, phát hiện 5 trường hợp có vi phạm và xử lý 2 trường hợp?

Đại biểu Đỗ Văn Đương:Theo tôi kiểm soát kê khai tài sản chỉ là một phương diện, quan trong là phải kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ, chứ cán bộ, công chức bình thường thì việc kê khai mang tính hình thức.

Đơn thuần cán bộ công chức thu nhập bằng tiền lương, không có chức vụ quyền hạn để quyết định vấn đề gì thì việc kê khai cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng người quyết định cấp dự án, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ…

PV: Thực tế kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn còn mang tính hình thức trong khi văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này lại thiếu?

Đại biểu Đỗ Văn Đương:Pháp luật không loại trừ ai. Vấn đề là phải thực hiện thế nào, phát hiện ra làm sao, làm đến đâu.

Theo tôi phải đổi mới để kiểm soát thực thi, phải đi vào thực tế. Trước hết phải đề ra văn bản, trong quá trình thực hiện thấy cái gì chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung.

Nhưng tôi cho rằng, quan trọng là phải làm thế nào để đi vào thực tế được thì phải có biện pháp tổ chức thực hiện và phải có những con người biết cách chống tham nhũng, được độc lập và được trao quyền mạnh mẽ như Bao Công ngày xưa.

Người ta đi điều tra thì không vào cơ quan nhà nước để nghỉ ngơi mà ra bên ngoài để tránh vướng mắc thì mới độc lập. Pháp luật nếu có mà không được thực hiện thì sẽ lưu động trong không khí thôi.

PV: Có nghĩa cần phải trao quyền mạnh cho cơ quan chống tham nhũng?

Đại biểu Đỗ Văn Đương: Đúng thế. Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập cao. Tôi đã nhiều lần kiến nghị phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập. Ví dụ, cơ quan điều tra chống tham nhũng phải độc lập với cơ quan điều tra cấp tỉnh.

PV: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thì ngoài việc sửa đổi Bộ Luật hình sự thì tới đây có sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Văn Đương:Nói đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, cương quyết, nghiêm thì trong Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung một số tội về tham nhũng. Không chỉ tham nhũng trong lĩnh vực công mà trong lĩnh vực tư.

Đối với tội tham ô, hối lộ là tội nghiêm trọng không áp dụng thời hiệu, “râu dài đến rốn” vẫn bị bắt, xử lý chứ không phải 5 năm, 10 năm như các tội khác.

Quan điểm của tôi, những người tham nhũng kể cả 75 tuổi trở lên vẫn bị tử hình, không loại trừ. Anh về hưu, phát hiện ra khối tài sản tham ô hàng trăm tỷ thì phải tử hình chứ, đừng hi vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà chỉ tìm cách tẩu tán tài sản.

Không chỉ sửa đổi Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan đến việc quản lý, cán bộ, công chức cũng phải sửa đổi để không chỉ kiểm soát thu nhập, tài sản mà còn liên quan đến việc đề bạt cán bộ, chống “mua quan, bán chức”./.