Sáng nay (20/10), tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Cử tri đánh giá cao những thành tựu của đất nước và mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để Quốc hội có nhiều quyết sách giải quyết những vấn đề còn bất cập trong đời sống.
Theo dõi phiên khai mạc sáng nay, cử tri Hồ Văn Ưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã nêu cơ bản và đầy đủ những kết quả đạt được và hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó nhấn mạnh, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả…
Về vấn đề này, ông Hồ Văn Ưu nêu ý kiến: “Qua báo cáo của Thủ tướng và các đồng chí tiếp theo có nêu trong phòng chống tham nhũng, thu tài sản rất thấp, đấy là vì chúng ta chưa có chế tài. Đối với cử tri và các ngành, các cấp, khi phát hiện tham nhũng, chúng ta đưa ra đấu tranh nhưng về mặt bảo vệ người phát hiện tham nhũng, vấn đề thu hồi tài sản bất chính chúng ta làm chưa được”.
Nhiều cử tri quan tâm những chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh như giá cả các mặt hàng thiết yếu. Theo báo cáo của Chính phủ thì quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25 - 30%. Tiếp tục thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, điện, than, nước sạch, các dịch vụ giáo dục, y tế... đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh. Tuy nhiên với nhiều người dân, giá cả hiện nay vẫn còn ở mức cao so với thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thủy, cử tri quận Đống Đa, Hà Nội mong muốn: “Kỳ họp có quyết sách cụ thể, sửa đổi giá cả; hay những gia đình chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ nhiều hơn”.
Về vấn đề lao động, giải quyết việc làm, cử tri Nguyễn Chiến Bình, quận Hai Bà Trưng đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật việc làm. Qua đó, chú trọng hơn đến giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nhà nước bị thu hồi đất, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo cử tri Nguyễn Chiến Bình thì việc cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp cần có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa.
** Theo dõi Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, nhiều cử tri tại tỉnh Khánh Hòa đã bày tỏ đồng tình với báo cáo này. Ông Vũ Hồng Khanh, cán bộ hưu trí, ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Nha Trang nêu ý kiến: “Công nhân viên chức về hưu lương rất thấp, xăng dầu đã giảm xuống được 7 lần. Thế nhưng một số mặt hàng khác không xuống được. Đồng lương của nhân dân đi mua sắm rất hạn chế, rất khó khăn. Hiện nay, cử tri rất lo lắng về nợ công; giảm xuống được nợ công thì số cán bộ, viên chức, cán bộ hưu trí mới được nâng lương lên một bước”.
** Cử tri Văn Hữu Cầm, ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng: Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi các quy định của Bộ Luật hình sự theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn tội tham nhũng để răn đe, phòng ngừa.
** Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cử tri thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang theo dõi rất sát hoạt động ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội. Cử tri thành phố Mỹ Tho đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng qua báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cử tri địa phương cho rằng thời gian tới Quốc Hội, Chính phủ cần quan tâm hơn với công tác này.
Ông Nguyễn Xuân Bách, người cao tuổi phường 1, TP. Mỹ Tho cho biết: “Vấn đề phòng chống tham nhũng là một trong những nội dung mà Quốc hội phải đặc biệt lưu ý, vì đây là điều làm xói mòn niềm tin của quần chúng. Thời gian qua công tác này đã tạo được sự chuyển biến bước đầu nhưng chưa thật sự ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”./.