Ngày 20/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Cũng như các kỳ họp khác, nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân để thực hiện các chức năng cơ bản là: xây dựng luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao. Nhưng điều trăn trở không chỉ của cử tri mà của chính các đại biểu Quốc hội là làm sao để nhiệm vụ đó được thực hiện chất lượng hơn, hiệu quả hơn, hay nói cách khác làm sao để đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách có làm cho Quốc hội mạnh lên là băn khoăn của rất nhiều người khi bàn về Luật Tổ chức Quốc hội. Hiện nay, trong tổng số 500 đại biểu thì có khoảng 28% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách - những người giành toàn bộ thời gian làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Còn lại là những đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, có nghĩa là vừa là đại biểu Quốc hội vừa đảm nhiệm chức vụ, công việc khác.

quoc_hoi_1_aztg.jpgKỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII

Như vậy, có một tỷ lệ nhất định đại biểu Quốc hội giành 100% thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Đây là những nhân tố quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của đại biểu Quốc hội. Có lẽ chính vì lý do này mà nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong Quốc hội. Xét về mặt lý thuyết, càng có nhiều người hoạt động chuyên trách thì chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ được nâng lên. Bởi vì, so với đại biểu kiêm nhiệm thì đại biểu chuyên trách có thể toàn tâm toàn ý để chăm lo cho hoạt động đại biểu của mình. Khi quyết định các vấn đề, đại biểu chuyên trách không bị ràng buộc với bất cứ lý do gì, lúc đó ý kiến được đưa ra sẽ có tính khách quan hơn. Thế nhưng, để hoạt động của đại biểu Quốc hội đạt đến độ chuyên nghiệp mới là điều đáng bàn mà ngay chính những đại biểu chuyên trách cũng trăn trở về điều này. Vì đã nói đến chuyên nghiệp là nói đến sự tinh thông, am tường về lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Trong số các đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện nay, có những đại biểu đã tạo nên dấu ấn nghị trường bởi trình độ lý luận chính trị sắc bén, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sâu rộng, tiếng nói có trọng lượng trước Quốc hội. Nhưng con số đó chưa nhiều. Chính vì vậy trước khi bàn về việc cần tăng bao nhiêu số lượng đại biểu chuyên trách thì việc quan trọng hơn là đại biểu chuyên trách có những nhiệm vụ và quyền hạn gì. Xét ở góc độ pháp lý, cần quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn nhằm đảm bảo tính độc lập cho đại biểu Quốc hội. Đại biểu chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp là điều cần hướng tới. Muốn vậy, đại biểu chuyên trách phải độc lập, có thể chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện chức năng giám sát. Và một yếu tố không thể thiếu của một đại biểu hoạt động chuyên nghiệp là gắn bó máu thịt với thực tiễn đời sống xã hội, theo sát hơi thở của cuộc sống, xả thân vì hạnh phúc của nhân dân. Khi đã xác định được tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của đại biểu chuyên trách thì cơ chế, điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu là yếu tố không thể tách rời.

Trong khi đó, hoạt động của đại biểu Quốc hội đang thiếu nhiều yếu tố để tạo nên tính chuyên nghiệp. Một trong lý do đó là đang thiếu những điều kiện để đại biểu Quốc hội hoạt động và đảm nhận vai một cách có chất lượng và hiệu quả. Đại biểu Quốc hội dù có là người hiểu biết sâu rộng có lẽ cũng chỉ uyên thâm trong một hoặc một vài lĩnh vực nào đó. Cho nên cơ chế ràng buộc trách nhiệm về sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia là rất cần thiết. Bên cạnh đó mỗi đại biểu cần có một bộ máy giúp việc riêng, đó sẽ là những người nghiên cứu, phân tích, nhận định, đánh giá thông tin và đề xuất phương án. Đại biểu Quốc hội là người chắc lọc thông tin và đưa ra quyết định cuối cùng./.