Bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện tinh thần đổi mới trong thảo luận, chất vấn, xây dựng pháp luật và có giải pháp thiết thực cụ thể nhằm giải quyết thỏa đáng những vấn đề mà cử tri quan tâm.

khaimac_ky3_1_gfhd.jpg
Các đại biểu tham dự khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quochoi.vn)                                 
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm nhiều vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, việc làm, an ninh - chính trị, chủ quyền đối ngoại… Với tinh thần đổi mới xây dựng Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng mong muốn Quốc hội có những quyết sách mới trong xây dựng chính sách pháp luật, giải pháp thiết thực, cụ thể, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

“Tôi cũng như nhiều cử tri mong muốn từ chương trình nội dung mà Quốc hội đã quyết định tổ chức trong kỳ họp này, Quốc hội có ban hành các chính sách pháp luật tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Quốc hội cũng làm rõ trách nhiệm những vấn đề nóng, bức xúc mà cử tri quan tâm như vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, tổ chức cán bộ để có những xử lý nghiêm minh và có giải quyết thỏa đáng những vấn đề đó” – ông Đỗ Mạnh Hùng nói.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Đây là một trong những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho rằng: “Vệ sinh an toàn thực phẩm là nội dung rất bức xúc hiện nay đối với cử tri, Quốc hội rất quan tâm. Lần này Quốc hội thông qua báo cáo kết quả giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là nội dung giám sát thiết thực, phát hiện nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh. Trong đó có nói đến ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới".

Kỳ họp lần này sẽ tăng thời gian chất vấn. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội kỳ vọng: tại kỳ họp lần này, các đại biểu sẽ nghiên cứu sâu để có các chất vấn quyết liệt đối với các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Theo vị đại biểu Quốc hội, có rất nhiều cuộc giám sát, hoạt động giám sát nhưng cho đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý trách nhiệm khi chưa trách nhiệm đầy đủ với những lời hứa, những kết luận, kiến nghị sau đợt giám sát. Vì vậy, cử tri rất  kỳ vọng vào trách nhiệm của các vị trưởng ngành, lãnh đạo thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn, và trách nhiệm được nâng cao tại kỳ họp này.

Theo dõi phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội được phát thanh truyền hình trực tiếp, cử tri Nguyễn Ngọc Lương, thành phố Yên Bái mong muốn trong kì họp này Quốc hội sẽ xem xét đánh giá chính xác, cụ thể tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Qua đó có những chính sách và giải pháp để kinh tế - xã hội ổn định và có những bước tiến mới. Đặc biệt xem xét giúp đỡ bà con chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn trong giai đoạn rớt giá. Về công tác xây dựng phát luật thì Quốc hội sẽ xem xét thông qua các dự án Luật và Nghị quyết sao cho phù hợp, khả thi.

Cử tri Nguyễn Toàn Thắng, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái bày tỏ: “Được biết kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ tăng thời gian chất vấn, cử tri mong những vấn đề nóng sẽ được bàn bạc, chất vấn, làm rõ để cử tri nắm được”.

Còn cử tri Nguyễn Thị Thuận, ở quận 5, TPHCM kỳ vọng những vấn đề bức xúc trong đời sống như: tình trạng khai thác cát lậu, ô nhiễm môi trường, quản lý tài sản công, an toàn vệ sinh thực phẩm, tham nhũng…  sẽ được Quốc hội, Chính phủ xử lý kiên quyết hơn và có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Về việc Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 13 dự án Luật và 5 Nghị quyết, bà Nguyễn Thị Thuận mong các Luật và Nghị quyết này chất lượng, gắn sát với thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.     

“Những dự án luật được Quốc hội  thông qua lần này phải trên cơ sở yêu cầu thực tế của người dân. Chứ không phải chúng ta thông qua rồi chờ các Nghị định,  Thông tư hướng dẫn đưa vào cuộc sống thì đã lỗi thời và không còn bắt kịp với thực tế của cuộc sống. Các dự luật thông qua lần này phải xuất phát từ thực tế, nguyện vọng của người dân” – bà Thuận cho biết thêm

Cử tri Phạm Bá Lữ ở quận Bình Thạnh, TPHCM bày tỏ: “Tôi kỳ vọng nhất trong kỳ họp lần này là Quốc hội phải mạnh mẽ hơn, triệt để hơn trong việc chống tham nhũng. Vì thời gian qua, đưa ra tòa xử lý các vụ án tham nhũng nhưng khi xét xử xong thì tài sản thường không thu hồi được cho Nhà nước”./.