Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc thành công, ấn tượng. Trong hơn 1 tháng diễn ra, Quốc hội thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng, thông qua nhiều dự án luật, Nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Hiến pháp sửa đổi năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi).

Với trách nhiệm trước cử tri và đất nước, đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn và làm việc trên tinh thần xây dựng để dự thảo luật được hoàn thiện hơn. Bên hành lang Quốc hội, nhóm phóng viên Đài TNVN ghi lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về thành công của kỳ họp.

Nhiều đại biểu đánh giá cao chương trình xây dựng luật pháp, hầu như các dự án luật đưa ra được sự đồng tình của các đại biểu, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Có sự quan tâm, đầu tư trí tuệ, công sức cho xây dựng các dự thảo, được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình nhận định: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã có nhiều đổi mới cả trong quá trình xây dựng luật, cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện những quyền giám sát tối cao của Quốc hội có điều chỉnh linh hoạt, nhất là về nội dung chương trình, các dự án luật, đổi mới cả cách trao đổi, thảo luận ở tổ và hội trường và tại các phiên chất vấn.

“Những đổi mới trong kỳ họp này đó là trong các phiên chất vấn có phần báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc rà soát việc thực hiện Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ kỳ họp thứ 3,4,5. Có thể nói mỗi kỳ họp chỉ chất vấn được mốt số lĩnh vực nhưng với báo cáo này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rà soát các mảng qua đó những đại biểu Quốc hội có những câu hỏi chất vấn, có nhìn nhận đánh giá lại chất vấn, chưa làm được gì, nguyên nhân như thế nào để báo cáo phúc đáp với cử tri”.

nguyen-thi-doan.jpg
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trả lời phỏng vấn báo chí

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, vì những vấn đề lớn mang tính trọng tâm của kỳ họp ngoài các Dự thảo luật như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thông qua một cách rất dân chủ và công khai. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp kể cả việc ấn nút biểu quyết để thông qua toàn văn Dự thảo.Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Tôi tin tưởng rằng sau khi Hiến pháp ra đời đất nước chúng ta sẽ có nhiều đổi mới và chắc chắn sẽ có những bước đi vững chắc".

Còn đại biểu Triệu Thị Nái, đoàn Hà Giang cho rằng: “Về Hiến pháp 1992 sửa đổi, Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm việc kỹ lưỡng, từ kỳ họp trước tới kỳ họp này, nhiều kỳ họp được tổ chức, lấy ý kiến nhân dân, đại biểu chuyên trách… và các cơ quan của Quốc hội. Sự đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian của Ban soạn thảo, đại biểu, hết sức quan tâm, đặc biệt là nhân dân, cử tri rất quan tâm tới việc sửa đổi Hiến pháp này”.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng trị đánh giá cao công tác chuẩn bị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Qua đó, giúp các Đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu kỹ các chuyên đề, dự án luật để đóng góp ý kiến. Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự thành công của kỳ họp này”.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ hợp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (ảnh: VOVTV)

Tại kỳ họp này, có 2 nội dung trong chương trình đề ra nhưng đã được điều chỉnh kịp thời để vào chương trình kỳ họp sau là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Nhận định về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Cường, đoàn Gia Lai chia sẻ: “Điểm cần rút kinh nghiệm đó là đại biểu Quốc hội ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên để xây dựng luật, pháp lệnh phải có đội ngũ chuyên gia. Đại biểu Quốc hội chỉ cho ý kiến về điểm chung, trên cơ sở ý kiến và nguyện vọng của cử tri. Còn việc sửa chữa về câu chữa, các chuyên gia sẽ chuẩn hơn. Vì vậy, các chuyên gia phải xây dựng luật, sau đó đưa ra Quốc hội thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như vậy sẽ rút ngắn thời gian kỳ họp”.

Để tiết kiệm thời gian cho mỗi kỳ họp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp, một số đại biểu cho rằng cần rút ngắn thời gian bàn thảo một số dự thảo luật đã được xem xét góp ý kỹ lưỡng và có sự đồng thuận cao. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, đoàn Ninh Thuận nêu ý kiến: “Thực ra, còn một số nội dung khi đưa ra cuộc họp đã được bàn thảo kỹ, có thể giảm bớt được thời gian, thời lượng trong kỳ họp. Bởi vì, trước đó, trong quá trình chuẩn bị, ví dụ các dự án luật đã lấy ý kiến đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến chính quyền các địa phương. Nếu chúng ta tổng hợp tốt sẽ giảm được thời gian kỳ họp”.

Sau khi kỳ họp kết thúc, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri tại các địa phương, thông báo kết quả kỳ họp cho đông đảo cử tri và nhân dân cả nước./.