Cùng với cả nước, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh miền núi Lai Châu đang hoàn thiện những bước cuối cùng.
Tuy nhiên, với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bầu cử, nhất là vùng sâu vùng xa. Để khắc phục khó khăn này, Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền, tổ chức bầu cử sớm, đảm bảo chất lượng người ứng cử.
Cử tri bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp (ảnh minh họa) |
Qua hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tỉnh Lai Châu đã chốt danh sách 8 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội; 84 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; đại biểu HĐND cấp huyện 441 người, đại biểu HĐND cấp xã 4.556 người.
Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, tỉnh Lai Châu đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét về người tham gia ứng cử trên địa bàn. Xác định đây là khâu đặc biệt quan trọng, Ban Chỉ đạo bầu cử yêu cầu các bộ phận chuyên môn phát huy cao độ tinh thần dân chủ ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của cử tri liên quan đến người ứng cử. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của cử tri.
Cử tri Đèo Thị Chơn (Dân tộc Thái) ở huyện Tam Đường cho biết, ở đây nhiều chị em không biết chữ nên mỗi lần đi bầu cử rất khó, nhưng được tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ, chị đã hiểu nên bầu ai làm đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội
“Bầu cử là trách nhiệm và quyền lợi của nhân dân, vì vậy phải đi bỏ phiếu để bầu ra người đại biểu có đức, có tài để giúp ích cho nhân dân”, cử tri Đèo Thị Chơn nói.
Xác định cuộc bầu cử lần này là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, với mục tiêu phải lựa chọn được những đại biểu chất lượng tốt nhất, đại diện tốt nhất cho nhân dân, Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu đã triển khai các bước hiệp thương chặt chẽ và đảm bảo quy trình giới thiệu lựa chọn người ra ứng cử. Ông Nguyễn Tiến Tăng, Giám đốc Sở Nội vụ, Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu khẳng định, thành công của bầu cử thể hiện ở chất lượng đại biểu và chất lượng đại biểu có đạt được hay không thì công tác chuẩn bị có vai trò quyết định.
Theo ông Nguyễn Tiến Tăng, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để người ứng cử chính thức được tiếp xúc cử tri đúng luật, bình đẳng; tạo điều kiện tốt cho người ứng cử có kỹ năng tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử để tranh cử và thể hiện chương trình hành động và kế hoạch hành động một cách tốt nhất.
Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch Hội đồng bầu cử huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, để lựa chọn, bầu cử được những đại biểu chất lượng, phải làm tốt công tác chuẩn bị, lựa chọn người ứng cử; tuyên truyền để người dân nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của bầu cử, từ đó tìm hiểu, lựa chọn bầu ra người đại biểu có tâm, có tầm.
“Thứ nhất các cơ quan đơn vị được phân bổ giới thiệu đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND; thứ 2, việc thực hiện các hội nghị hiệp thương được thực hiện đúng luật, đúng quy trình, dân chủ khách quan; thứ 3 Ủy ban bầu cử các cấp nghiên cứu xem xét hồ sơ những người ứng cử đại biểu, nếu có vấn đề về tiêu chuẩn hay tố cáo thì kịp thời xác minh, không vì cơ cấu hay vấn đề khác mà bỏ qua”, ông Từ Hữu Hà cho biết.
Công tác hiệp thương của Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp tỉnh Lai Châu đã thành công tốt đẹp. Người ứng cử được lựa chọn là những người tiêu biểu, xứng đáng. Tuy nhiên, công tác bầu cử ở tỉnh Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn.
Cái khó lớn nhất là trình độ nhận thức của người dân, nhất là vùng sâu còn nhiều hạn chế, nhiều cử tri chưa biết chữ, trong khi đó địa bàn rừng núi cách trở có nhiều vùng người dân phải đi gần ngày đường mới đến được nơi bầu cử.
Để khắc phục khó khăn này, tỉnh Lai Châu đã đề ra nhiều giải pháp và triển khai quyết liệt, đáng chú ý là 3 xã: Tá Bạ, Tà Tổng và Mù Cả của huyện Mường Tè sẽ thực hiện bầu cử trước 7 ngày vì đây là những vùng khó khăn nhất./.
Trang bị kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên