Tiếp tục phiên họp thứ 47, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Báo cáo đánh giá do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, nêu rõ, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội và nhân sự cấp cao của Nhà nước... Kỳ họp đánh dấu sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội; sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan liên quan…

phien_hop_47_xaau.jpg
Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo đánh giá cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình tổ chức kỳ họp thứ 11 cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Đó là các báo cáo cần đánh giá sâu hơn vai trò quyết định của nhân dân trong việc đồng thuận, ủng hộ và thực hiện tốt các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua; chương trình kỳ họp có nội dung bố trí còn chưa hợp lý, một số nội dung giải trình, tiếp thu chưa thỏa đáng…

Góp ý vào Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý cần rà soát, chuẩn hóa các thuật ngữ, mỗi câu chữ đều phải đúng luật, không nói theo chủ quan. Quốc hội khóa XIII chỉ kết thúc nhiệm kỳ khi Quốc hội khóa XIV chính thức làm việc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt ghi nhận nghi thức tuyên thệ của các vị lãnh đạo cấp cao là điểm mới đặc biệt có ý nghĩa, lần đầu được thực hiện tại kỳ họp thứ 11; nhưng cần hoàn thiện thêm để đảm bảo tính trang trọng, thống nhất.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị “Sắp tới cần đánh giá rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác nhân sự để khóa sau làm sao tính thời điểm bầu Đại hội Đảng và bầu Quốc hội sát nhau. Nếu không tháng 3 bầu, tháng 7 lại bầu lại. Tháng 3 vừa tuyên thệ, tháng 7 lại tuyên thệ tiếp thì không linh thiêng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tạo điều kiện cho đại biểu được bỏ phiếu kín bởi trên thực tế các điều kiện của ta chưa đảm bảo… Cần bố trí phòng riêng, công tác chuẩn bị phiếu bầu và tổ chức bầu cử cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn, đảm bảo đúng quyền được bỏ phiếu kín.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về việc chuẩn bị, thẩm tra và thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, do thời gian giữa kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV khá gần nhau…

Kết luận phiên họp về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu rà soát cẩn thận, chuẩn bị tiến hành các công việc một cách bài bản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ có rất nhiều đại biểu mới, chính vì thế cần phải chuẩn bị thật tốt, đảm bảo mọi việc được tiến hành đúng luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu phản ánh của cử tri, đại biểu về nghi thức tuyên thệ, để có điều chỉnh phù hợp./.