Một trong những vấn đề khiến cử tri và nhân dân cả nước quan tâm phản ánh, kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị.

Theo phản ánh của đa số cử tri, mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm- học thêm nhưng tình trạng dạy thêm-học thêm vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.

Ngoài ra, bệnh thành tích trong giáo dục không giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng chất lượng của ngành Giáo dục.

Nhiều cử tri cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo thấp, số lượng tuyển sinh ngày càng giảm sút, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội chính là hậu quả của việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã dẫn đến việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực quản trị.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục, đào tạo không đảm bảo chất lượng.

Cử tri và nhân dân cũng phản ánh, hệ thống các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc hiện đang rất phân tán, trực thuộc nhiều Bộ, ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo. Việc dạy nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội. Nhiều nơi, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện giảng dạy, học tập cũ kỹ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên không đảm bảo chất lượng, làm cho chất lượng đào tạo rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Cử tri và nhân dân kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho hợp lý; rà soát nhu cầu đào tạo nghề của nhân dân, nhu cầu về lao động theo ngành nghề của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ cho hoạt động đào tạo nghề, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới./.