Sáng nay (21/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tờ trình của Chính phủ đề nghị xem xét bổ sung 1.244 xã (trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn) thuộc 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm 36 xã của thành phố Cần Thơ, là địa phương tự cân đối được ngân sách), là những xã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, điển hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Longvào nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương theo nguyên tắc phân bổ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, việc bổ sung các xã được ưu tiên sẽ dùng nguồn dự phòng, không ảnh hưởng đến tổng nguồn đã phân bổ cho chương trình và thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, trong tổng số 1.244 xã được đề nghị thì có 544 xã đã nằm trong diện ưu tiên của Nghị quyết 100 và 266 xã đã đạt đủ tiêu chí nên thực chất chỉ còn 434 xã cần được đề nghị ưu tiên phân bổ từ nguồn dự phòng nhưng cần nêu rõ căn cứ.
“Câu chuyện tài chính ngân sách là đồng tiền cụ thể, phải rõ ràng. 544 xã nằm trong diện ưu tiên theo Nghị quyết của Quốc hội rồi nên hệ số các xã này là như nhau, xã ở ĐBSCL trồi lên cao hơn là không được. Chỉ còn 434 xã được đề nghị đưa vào là phù hợp do điều kiện khí hậu, suất đầu tư lớn hơn chứ không phải có tiêu chí cao hơn các xã khó khăn khác, vì như vậy là không hợp lý” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Dẫn số liệu các địa phương đã đạt tiêu chí nông thôn mới ở các vùng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, các vùng khác đều có khó khăn riêng. Do đó, ông Chiến đề nghị rà soát để có chính sách chung ưu tiên nhằm đảm bảo tính toàn diện.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đề nghị làm rõ thế nào là đối tượng hưởng đặc thù ưu tiên, vì trên thực tế những địa phương khác như Ninh Thuận cũng rất khó khăn, chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Theo ông Cương, nên theo hướng trong điều kiện ngân sách có hạn thì có chủ trương chọn khu vực này đầu tư trước thì dễ chấp nhận hơn, chứ không nói “đặc thù ưu tiên” vì nhiều khu vực khác cũng đặc thù mà chưa được xem xét đến và tránh tình trạng chính sách chồng lên chính sách.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần có sự hỗ trợ cho các xã khó khăn, tuy nhiên lập luận đưa ra là chưa thực sự thuyết phục. Do đó, cần làm rõ những xã nào, vùng nào cần hỗ trợ và mức hỗ trợ là bao nhiêu?
“Không điều chỉnh gì Nghị quyết 100 vì thẩm quyền là của Quốc hội. Chỉ có căn cứ tình hình số xã còn lại gặp rất nhiều khó khăn so với các xã khác cùng điều kiện thì cần có sự hỗ trợ nhất định từ nguồn dự phòng thuộc thẩm quyền UBTVQH” – ông Phùng Quốc Hiển lưu ý và cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban TCNS phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT tính toán, hoàn thiện Tờ trình báo cáo lại còn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay chưa quyết định bao nhiêu tiền và bao nhiêu xã./.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù, cần được phân cấp mạnh hơn?