Chiều nay (15/4), tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.

Góp ý quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân, đa số đại biểu tán thành quy định nhiệm vụ chung cho lực lượng công an nhân dân như dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì công an nhân dân gồm hai lực lượng là cảnh sát nhân dân và an ninh nhân dân, mỗi lực lượng có chức năng riêng biệt. Quy định như vậy giúp phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn chung của công an nhân dân và của từng lực lượng, nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định của các luật khác.

Về tổ chức của công an nhân dân, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng công an xã trong dự thảo Luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho lực lượng này triển khai thực thi công vụ. Bởi thực tế hiện nay cơ cấu tổ chức, biên chế của công an xã thuộc chính quyền cơ sở, chỉ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của công an cấp trên.

Về hệ thống chức vụ trong công an nhân dân, dự thảo Luật quy định Giám đốc Công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá; Giám đốc Công an các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Giám đốc Công an các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì đây là những tỉnh dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp.

Đối với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt nên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Một số đại biểu nêu ý kiến, việc quy định cấp bậc cao nhất đối với từng tỉnh, thành phố như vậy quá chi tiết, khiến Luật chỉ phù hợp với thời điểm hiện tại, mà không có giá trị lâu dài.

Cho ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị nên quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong công an nhân dân, để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm phù hợp với cơ cấu tổ chức của công an nhân dân.

“Dự thảo Luật liệt kê các chức vụ được mang cấp bậc hàm trung tướng như cục trưởng các cụ đối ngoại, pháp chế, cải cách hành chính và mang cấp bậc hàm thiếu tướng như giám đốc trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh công an nhân dân. Tờ trình của Chính phủ cho rằng đây là thủ trưởng các đơn vị giúp Bộ trưởng Công an tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng an ninh quốc gia cho toàn ngành. Ủy ban Tư pháp cho rằng lực lượng này chưa thực sự thuyết phục. Tờ trình của Chính phủ chưa chỉ ra được nhu cầu phong, thăng cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng mới đảm bảo thực hiện tốt công việc được giao” – ông Nguyễn Văn Hiện nói.

Cũng tại phiên họp, đại biểu còn cho ý kiến về quy định thời hạn công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, thời hạn xét thăng cấp bậc hàm và thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm trong công an nhân dân./.