Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá XIII nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 21/7.
PV:Nhìn vào điều hành của nhiệm kỳ trước, cụ thể là với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì ông có cho rằng việc giám sát đối với một số chức danh lãnh đạo Bộ, ngành chưa được chặt chẽ?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Nếu căn cứ vào việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội của nhiệm kỳ khoá XIIII, thì tôi nghĩ thực hiện chưa thực sự nghiêm túc. Rất nhiều vấn đề Quốc hội khi giám sát đã đưa ra nhưng không thực hiện nghiêm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương trả lời báo chí chiều 21/7 |
PV: Với vị Bộ trưởng khoá trước có sai phạm để lại hậu quả thì việc xử lý với những người đã kết thúc nhiệm kỳ phải được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương:Đó là vấn đề mà tôi cho là dư luận rất là bức xúc và cần tránh tình trạng gọi là “hạ cánh an toàn”. Có tâm lý rằng anh hết nhiệm kỳ, không còn chức danh mà chỉ là đảng viên thường thì việc kỷ luật không thực sự nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng cần xem xét nghiêm túc với tư cách đảng viên và kỷ luật nghiêm túc.
PV: Khoá trước nhiều đại biểu, trong đó có ông chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhưng dường như nội dung chất vấn mới chủ yếu tập trung vào yếu kém của ngành, trong đó mảng quản lý nhân sự chưa được đặt ra?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Khi tôi đi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử thì cử tri có hỏi tôi là có áy náy hay điều gì chưa thoả mãn với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội. Tôi đã nói tôi chất vấn rất nhiều với tinh thần xây dựng, nhưng rất tiếc nhiều vấn đề không được trả lời một cách đúng mức hay thực hiện một cách nghiêm túc.
Thực tế với Bộ Công Thương không chỉ là chuyện nhân sự, tuyển dụng như tôi chất vấn mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Thời gian tới cần giám sát những chức năng, quyền hạn đã được giao cho Bộ Công Thương.
PV: Với nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách rất lớn nhưng việc giám sát chưa tốt?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương:Giám sát của Quốc hội tôi nghĩ vẫn là giám sát tối cao, nhưng nó dừng lại ở mức độ nhất định thôi. Còn nếu nói giám sát có thể giải quyết được mọi vấn đề thì có lẽ còn khoảng cách, vì một năm thực hiện được mấy cuộc giám sát trong khi bức xúc trong cuộc sống thì rất nhiều vấn đề. Nên hoạt động thanh tra, kiểm tra của chính quyền cần nâng cao hơn nữa.
Với dự án, công trình sử dụng ngân sách, thực tế giám sát của Quốc hội không thể đi sâu, cụ thể đến như vậy mà còn liên quan đến chức năng của các cơ quan khác nữa, đó là thanh tra tài chính, Kiểm toán Nhà nước.
PV: Ở một số nước khi cần thiết có thể yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn đến để chất vấn, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương:Đó là vấn đề cơ chế. Tôi khi tham gia ý kiến về luật giám sát đã có ý kiến, trong thực tế rất nhiều công trình, dự án giao cho địa phương thực hiện hoàn toàn còn bộ ngành chỉ có chức năng hỗ trợ về mặt chính sách để thực hiện các chương trình, đề án đó. Song rất tiếc Quốc hội không có chức năng chất vấn với lãnh đạo các tỉnh, thành phố mà chỉ có chất vấn Bộ trưởng. Cái này là về mặt cơ chế sắp tới cần có sự thay đổi thì giúp hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn.
PV:Có nghĩa là cần xem xét vấn đề phân cấp với dự án có sự ảnh hưởng lớn để tránh tình trạng như Formosa vừa rồi?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Điều đó là cần thiết. Nói về chính quyền địa phương có điều đáng buồn. Sắp tới tôi sẽ phát biểu liên quan chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.
Tôi nói nếu ta có bộ máy chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ công chức đạt chuẩn thì có lẽ không đến mức rất nhiều vấn đề xảy ra ở địa phương mà chính quyền cái gì cũng không biết, không chịu trách nhiệm. Cái đó xã hội rất bức xúc.
Tôi từng tham gia ý kiến tại Quốc hội là bộ máy chính quyền địa phương thì bộ phận nào cũng có, đội ngũ cán bộ công viên chức tinh giản bao năm vẫn cồng kềnh, nhưng khi nói vấn đề gì xả ray tại địa phương thì cái gì cũng không biết, không chịu trách nhiệm. Đấy là điều rất đáng tiếc.
PV: Xin cảm ơn ông./.