Thảo luận về Luật Nhà ở, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về chính sách phát triển nhà ở công vụ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) khẳng định: Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ. Điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội, cử tri cũng cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội.

“Tôi thấy, hình như luật hiện nay đang có xu hướng phục vụ cho một số ít đối tượng chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông. Với chính sách phát triển nhà công vụ trong Luật nhà ở cũng vậy, chúng ta dễ nhận thấy rằng nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng” – Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Theo quan điểm của Đại biểu Trần Ngọc Vinh, hiện nay số cán bộ, công chức trẻ đang công tác tại Hà Nội rất lớn nhưng thử hỏi họ đã được hưởng lợi gì từ chính sách nhà ở công vụ chưa? Tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định.

Từ thực tế này, Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu về mặt an ninh và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để họ tự túc hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác. Đồng thời không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc đưa chính sách nhà ở vào lương là chưa khả thi.

Nhưng để bảo đảm việc thực hiện chính sách này một cách công khai, minh bạch, Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, nên quy định chặt chẽ điều kiện đối tượng phải tương ứng đồng bộ với nhiệm vụ được giao và thời gian luân chuyển, tránh lãng phí, sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, biến tướng. Khi xong nhiệm vụ thì phải kết thúc sử dụng nhà công vụ để người đến nhận nhiệm vụ mới có nơi ở ngay. Hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có ở, không xử lý được.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, luật cần quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ, hiện nay đang còn thiếu. Vì nếu họ thế chấp hoặc thừa kế thì sẽ thế nào? Theo đó, Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, Luật cần qui định rõ: "Không chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn hoặc cho mượn, cho thuê nhà ở".

Theo quan điểm của Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) thì không nên phát triển tràn lan nhà công vụ và phải tính bằng ngân sách được cân đối để thấy rằng nhà nước đã lấy tiền thuế của dân bù vào đây cỡ nào… Cho nên phải qui định rõ trong Luật nghĩa vụ của những người sử dụng phải ra sao, nếu không trả thì như thế nào?

Để hạn chế các tiêu cực, theo đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), trước hết nên công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông, loại nhà gì? Làm như vậy để tránh tình trạng người thì 3 - 4 nhà ở, trong khi đó nhiều cán bộ lại không có, sinh ra xin cho, chạy chọt gây tiêu cực và tham nhũng, tham ô, làm cho quan hệ xã hội thiếu trong lành và cán bộ, công chức không yên tâm làm việc./.