Mặc dù Thông tư 01/2014 của Bộ Xây dựng quy định về việc thu hồi nhà công vụ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 6/3 vừa qua; mặc dù trước đó vấn đề nhà công vụ đã được nói tới nhiều trên các diễn đàn nhưng đây vẫn là một đề tài khiến dư luận phải quan tâm.
Sự quan tâm ấy không phải vì số lượng nhà, diện tích nhà, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật mà vì nó liên quan đến hình ảnh, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên – những người đã một thời là công bộc được xếp vào loại “bậc cao” của dân. Bởi, chỉ khi sự nêu gương được chú trọng; chỉ khi có những “tấm gương” nghiêm túc thực thi pháp luật, thì khi đó đạo đức công vụ mới được xây dựng trong nền hành chính phục vụ nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khúc mắc trong việc thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng mà Bộ Xây dựng đang thực hiện. Trong đó có chính sách thiếu công bằng, minh bạch trong việc cấp đất, cấp nhà ở cho cán bộ; có sự thiếu quyết liệt, thiếu minh bạch của cơ quan quản lý. Nhưng dù nguyên nhân nào thì nó cũng cần được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Về pháp luật: Một nội dung được nhiều người viện dẫn trong Luật Nhà ở năm 2005 là Luật không nêu luận điểm “khi về hưu trả lại nhà”. Trong các quyết định của cơ quan quản lý khi giao nhà cũng không nói rõ thời gian sử dụng và trách nhiệm giao trả nhà khi không còn đảm nhiệm chức vụ. Chính vì quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng nên một số quan chức về hưu đã “ngỡ ngàng” khi biết mình thuộc đối tượng phải trả lại nhà công vụ.
Về công tác quản lý: Lâu nay công tác quản lý trong nhiều lĩnh vực của các cấp, ngành, đặc biệt là đối với cán bộ có chức, có quyền, chưa được chặt chẽ, ít dựa trên căn cứ pháp lý, thậm chí còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Vô hình trung tạo ra “đặc quyền” cho nhiều cán bộ, công chức và tiền lệ xấu trong công tác quản lý, xử lý vi phạm. Việc cho thuê và thu hồi lại nhà khi hết thời hạn vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc cũng là vì thế.
Về con người: Người được sử dụng nhà công vụ là những người đã có thành tích cống hiến, có chức vụ, quyền hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Họ xứng đáng được tạo điều kiện để công tác tốt, để toàn tâm toàn ý cho công việc chung, để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Nhưng “quyền” của họ không được giới hạn cụ thể, không được giám sát chặt chẽ, lâu dần “của công” vô tình được coi là sở hữu, trở thành “của tư”. Khi đã thành “cái của mình” việc yêu cầu trả lại sẽ là rất khó khăn và cảm giác mất mát là điều khó tránh khỏi.
Nhưng dù ở khía cạnh nào cũng cần khẳng định, thực chất nhà công vụ là nhằm phục vụ việc công tương xứng với nhiệm vụ được giao. Tuy trước đây pháp luật chưa quy định cụ thể, nhưng có quy định cán bộ chỉ được thuê nhà ở công vụ trong quá trình công tác.
Hơn nữa, không cần phân tích ai cũng hiểu đã là “của công” tức là của chung, của Nhà nước, của nhân dân, hoàn toàn không thuộc quyền sở hữu của người sử dụng. Nên việc trả lại nhà khi không còn đảm nhiệm chức trách là lẽ đương nhiên. Bởi vậy, phản ứng của một số người đã từng có chức vụ, quyền hạn khi phải trả lại nhà cho Nhà nước đã khiến dư luận không thể đồng tình. Nó cũng cho thấy, lâu nay pháp luật đã bị xem thường trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; lâu nay việc quản lý công sản đã bị lạm dụng; lâu nay một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực sự gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dẫu rằng không phải là tất cả, nhưng chỉ một số ít đó thôi cũng làm cho niềm tin của người dân vào tính tiền phong, gương mẫu, vào sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đảng viên lãnh đạo, quản lý vơi đi ít nhiều.
Theo Thông tư của Bộ Xây dựng, vấn đề cưỡng chế trong trường hợp người sử dụng nhà công vụ không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không chịu bàn giao nhà đã được đưa ra. Đây là việc làm nhằm đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Nhưng nó sẽ không phải áp dụng và nó sẽ không còn là điều khiến nhiều người phải lên tiếng khi sự gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật được thực hiện.
Trong suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về tôn trọng pháp luật, không bao giờ Người nghĩ đến việc dùng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Người cho rằng, muốn nêu gương trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn. Việc trả lại nhà công vụ có thể là nhỏ nhưng nó sẽ tác động lớn đến hành xử chung của xã hội.
Vậy nên, cùng với hệ thống quy chế rõ ràng, minh bạch; chính sách công bằng, hợp lý; việc nêu gương của cán bộ, lãnh đạo lớp trước sẽ góp phần xây dựng đạo đức công vụ, làm lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia hiện nay. Nó cũng góp phần quan trọng trong việc giữ vững niềm tin vào đội ngũ công bộc của dân./.