Theo bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc trả lời kiến nghị, giải đáp yêu cầu của người dân, nếu Bộ trưởng, người đứng đầu trực tiếp tham gia đọc và chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết, trả lời thì chất lượng khác hẳn việc giao cấp Phó hay cán bộ chuyên trách vì cấp dưới nhiều khi không quyết được.
PV: Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội tiếp tục đề cập nhiều vấn đề bức xúc. Bà có kỳ vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới hay không?
Bà Nguyễn Thanh Hải:Báo cáo của Chính phủ, mà đặc biệt là báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp nổi lên một số vấn đề mà người dân rất quan tâm. Nội dung thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong đó có điểm nhấn liên quan vấn đề quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, khai thác cát trái phép...
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV |
Phía Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Có thể thấy có những kiến nghị đã xuất hiện tại các kỳ họp trước, thậm chí ở khoá XIII. Tôi nhận thấy Chính phủ có sự nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên có những vấn đề rất khó, việc giải quyết cần nguồn lực, cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành nên tuy bước đầu có kết quả nhưng về thời gian là chưa dứt điểm được.
Do đó cử tri mong những vấn đề như khai thác cát trái phép được giải quyết dứt điểm. Hay như việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan các dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đặt biệt là vấn đề bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Những nội dung này cũng sẽ được đề cập trong báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri tới đây. Theo đó, để giải quyết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Lâu nay việc thanh kiểm tra thường được tiến hành khi có vấn đề xảy ra, nhưng giờ cần tăng cường để răn đe, phòng ngừa cũng như đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó là tăng cường rà soát xem các nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của các Uỷ ban của Quốc hội được thực hiện như thế nào. Cử tri có nêu vấn đề rằng chưa có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc chưa thực hiện nghị quyết giám sát của Quốc hội và các kiến nghị của Uỷ ban của Quốc hội trong các lĩnh vực, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu trong bổ nhiệm cán bộ hay khai thác khoáng sản tài nguyên. Đây là điều cử tri băn khoăn.
PV:Có thể nhận thấy Báo cáo do Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày nhấn mạnh và kiến nghị mạnh mẽ đối với một vài vấn đề chứ không chung chung, thưa bà?
Bà Nguyễn Thanh Hải: Vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm thì rất nhiều, nhưng đặt ra thời hạn nhất định như từ nay tới cuối năm hay đầu năm sau phải giải quyết dứt điểm thì báo cáo do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh mấy điểm, trong đó kiến nghị rất mạnh liên quan quản lý khai thác cát và sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức với chính quyền địa phương trong giải quyết vấn đề này.
Quản ý tài nguyên khoáng sản, cụ thể là tình trạng khai thác cát trái phép là vấn đề lo ngại và được đề cập ở rất nhiều kỳ họp. Tôi cho rằng việc nhấn mạnh ý đó trong Báo cáo trước Quốc hội trước sự theo dõi của cử tri và đồng bào cả nước, cộng với giám sát của cơ quan của Quốc hội thì tôi tin tưởng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV vấn đề này được báo cáo rằng được giải quyết tương đôi tốt, tương đối dứt điểm. Cụ thể như xử lý được bao nhiều trách nhiệm người đứng đầu khi để cho “cát tặc” lộng hành, xử lý hành chính, hình sự ra sao...
PV: Rõ ràng ở đâu người đứng đầu vào cuộc thì sự việc được giải quyết nhanh chóng. Việc báo cáo kiến nghị xem việc giải quyết vấn đề đặt ra là tiêu chí đánh giá thực hiện nghị quyết Trung ương 4, theo bà, có ý nghĩa như thế nào?
Bà Nguyễn Thanh Hải:Vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Kiến nghị của cử tri cũng chính là mong muốn của xã hội nên người đứng đầu tập trung giải quyết ảnh hưởng lớn đến chất lượng giải quyết vấn đề mà người dân quan tâm.
Như việc trả lời cử tri, nếu Bộ trưởng trực tiếp tham gia đọc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết, trả lời thì chất lượng, giải quyết dứt điểm, rõ ràng và cử tri đồng tình cao.
Ở cơ sở cũng vậy, người đứng đầu trực tiếp tham gia thì rõ ràng vấn đề, thậm chí chỉ cần giải thích là người dân đã hiểu, còn cứ giao cấp phó hoặc cán bộ phụ trách tiếp công dân trả lời thì tiếp chỉ để tiếp vì không có thẩm quyền quyết. Điều đó làm cho vấn đề cứ lưu đi lưu lại, từ việc nhỏ gộp lại thành việc to, người dân cảm thấy bức xúc.
Tôi nghĩ rằng việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần đưa vào là tiêu chí để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, của người đứng đầu, mà ở diễn đàn Quốc hội nó là tiêu chí đánh giá Bộ trưởng, trưởng ngành.
PV: Xin cảm ơn bà!
Ông Nguyễn Thiện Nhân: “Cát tặc” thách thức chính quyền và dư luận
“Cát tặc” thách thức chính quyền: Cử tri cương quyết không chấp nhận