Trình bày Tờ trình về dự án Luậtquân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trước Quốc hội chiều nay (21/10), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân.

“Dự thảo Luật quy định từ cấp Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp đến cấp Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp là phù hợp, kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, tương ứng với hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam và thực tế thực hiện từ trước đến nay không có vướng mắc”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Dự thảo Luật quy định bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

phung_quang_thanh_bjvu.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban thấy rằng, cấp bậc quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân; quân hàm của QNCN thể hiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vinh dự, trách nhiệm của quân nhân, đồng thời là yếu tố để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp theo cấp bậc quân hàm.

Thực tế từ tháng 3/2007, hệ thống cấp bậc quân hàm QNCN được quy định từ Chuẩn úy QNCN đến Thượng tá QNCN. Tuy nhiên, từ năm 2010 Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh thang, bảng lương của QNCN có trình độ sơ cấp, trung cấp từ 2 nhóm thành 1 nhóm và quy định lương khởi điểm của sơ cấp có hệ số là 3,20, lương khởi điểm của trung cấp có hệ số là 3,50 và quy định phiên cấp bậc quân hàm Thiếu úy QNCN.

Để bảo đảm tương thích với hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, rút ngắn thời gian để được thăng cấp bậc quân hàm cao nhất, đặc biệt đối với QNCN có trình độ sơ cấp nhằm động viên đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, theo đó việc quy định bỏ cấp bậc quân hàm Chuẩn úy QNCN là phù hợp.

Tuy vậy, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm Đại tá QNCN cho người có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ quân đội; có ý kiến đề nghị giữ cấp bậc hàm Chuẩn úy QNCN như quy định tại Nghị định 18/2007/NĐ-CP của Chính phủ; ý kiến khác đề nghị có hạ sĩ quan QNCN như hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong Luật Công an nhân dân./.