Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ những hạn chế, bất cập và giải pháp để KH-CN thật sự là quốc sách hàng đầu. Dù đánh giá Bộ trưởng nắm chắc vấn đề và trả lời rõ ràng, nhưng nhiều đại biểu cho rằng Bộ trưởng cần làm rõ hơn nhiều nội dung quan trọng.
Thiếu KH-CN thì làm sao thành nước công nghiệp hiện đại?
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đánh giá Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trả lời sâu, nhưng có phần đáng ra phải làm rõ hơn.
“Tại sao KH-CN chưa đứng ở vị trí đúng tầm của nó, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Tôi hỏi nhưng Bộ trưởng chưa trả lời. Đây là việc rất quan trọng nên nếu Nhà nước đầu tư chưa đủ thì Bộ trưởng phải trình bày để tiếp tục đầu tư cho đủ hay đi tìm các nguồn lực để khoa học phát triển. Không có đất nước nào muốn phát triển bền vững mà không dựa vào khoa học công nghệ cả”, đại biểu bày tỏ.
Theo bà Bùi Thị An, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại nhưng không có KH-CN thì phải làm gì? Phát triển bền vững, kinh tế xanh nghĩa là công nghiệp xanh, nông nghiệp phải sạch, du lịch phải sinh thái, tổng hòa thì người dân mới được lợi. Đó là việc cần phải làm rõ.
Hơn nữa, đại biểu muốn tập trung giải quyết nghiên cứu khoa học xã hội, nghĩa là tìm ra mô hình, quy luật, đặc thù của Việt Nam để đi lên. “Vì không còn thời gian nên tôi không kịp bấm bút để hỏi lại Bộ trưởng thời gian qua đã đầu tư bao nhiêu cho khoa học xã hội”, bà An cho biết.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) |
Còn Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) thì đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời thẳng thắn, rất rõ ràng, tư duy logic.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần làm rõ giải pháp khắc phục tình trạng kinh phí ngân sách dành cho khoa học, chất lượng công trình nghiên cứu khoa học để làm sao không xếp ngăn nắp vào ngăn kéo mà đưa ra ứng dụng vào thực tiễn, và huy động lực lượng các nhà làm khoa học nghiên cứu ứng dụng vào thực tế, giải đáp những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Bộ trưởng chưa làm rõ về sự lãng phí
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì bày tỏ: KH-CN là quốc sách hàng đầu nhưng đến giờ kiểm điểm lại vẫn cứ một câu muôn thuở là công nghệ lạc hậu.
“Đặc biệt là phần liên quan đến lãng phí trong nghiên cứu KH-CN mà tôi chất vấn, tôi thấy thất vọng vì cho đến giờ cứ đổ cho việc đầu tư không tới ngưỡng. Vì nếu đầu tư không tới ngưỡng thì phải dừng, ví như chúng ta đầu tư cho 10 dự án nhưng nó đều không tới ngưỡng cả thì phải dừng lại chỉ làm 3 cái để cho nó thực sự tới ngưỡng và đến kết quả cuối cùng”, đại biểu Cương cho biết.
Theo đại biểu, tất cả 5 bước Bộ trưởng nêu ra không có gì mới, thực ra quy định lâu rồi. Nhưng xét ra thì Bộ KH-CN có phải là cơ quan cuối cùng quyết định việc có nghiên cứu đề tài đó hay không? Đại biểu cho rằng cái gì cũng cho phân cho mỗi Bộ mấy chục tỷ rồi có bao nhiêu đề tài trong khoản đó là được, nhưng nghiên cứu xong là bỏ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) |
“Đấy là tôi còn chưa đặt đến vấn đề lãng phí trong chuyện là nếu như Bộ trưởng công bố được số lượng đề tài nợ đọng, mà không phải là nợ năm trước năm sau đâu vì có những đề tài nợ 5-7 năm đến 10 năm không trả nợ được, lãng phí kinh khủng”, ông Cương nói.
Cũng theo đại biểu này, tất cả những đề tài nghiên cứu khi ra báo cáo để được xét duyệt là phải tính toán được đầu ra, nghiên cứu để làm gì phải rất rõ ràng chứ không thể nói chuyện nghiên cứu trước rồi “phục” để lúc nào có thể ứng dụng được thì mới lục trong ngăn kéo ra. Điều này là đi ngược với thế giới./.