Thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV tại phiên họp 24 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 15/5, các ý kiến nêu lên nhiều lo lắng của cử tri và nhân dân, trong đó có tình hình đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Cần cảnh tỉnh về sự lãng phí
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQVN – cơ quan trình báo cáo thì nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri nhiều địa phương còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tệ nạn xã hội, sử dụng và mua bán ma túy vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ trọng án giết người gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhắc đến vụ 5 “hiệp sĩ” ở TPHCM bị các đối tượng trộm xe máy đâm chết và bị thương đang gây bức xúc dư luận những ngày qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ “sự việc các “hiệp sĩ” bị sát thương như thế thì rất là buồn”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: 5 "hiệp sĩ" bị sát thương là sự việc rất buồn |
Hay việc cai nghiện ma tuý tại cộng đồng là một chủ trương đúng nhằm tạo điều kiện để những người này hoà nhập, song theo đánh giá là chưa đạt mục tiêu và ở đâu đó còn làm khổ người dân thêm, do đó, cần có đánh giá kỹ để điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng báo cáo nhấn mạnh công tác thực hành tiết kiệm, vì hành động cụ thể của các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân là rất quan trọng. Chính thời gian qua thực hành tiết kiệm không tốt nên lãng phí diễn ra nghiêm trọng ở các mức độ khác nhau.
“Báo cáo của Chính phủ cũng nói việc chấp hành luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế. Lãng phí trong nhân dân cũng diễn ra khá phức tạp, các lễ hội rồi ma chay cưới xin ở nông thôn nặng nề lắm! Ăn uống linh đình rồi cờ bạc, xóc đĩa đi theo” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm báo cáo cần nêu lên để cảnh tỉnh.
Một vấn đề khác mà Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần thể hiện rõ hơn đó là giao thông. Dù có rất nhiều cố gắng nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vi phạm giao thông còn nghiêm trọng, từ lấn làn, chèn ép nhau trên đường đến xô xát vì đỗ xe dẫn đến đánh nhau. “Cử tri phản ánh rất nhiều nên phải bổ sung thêm” – ông Hiển nói.
Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh còn thiếu phần mong muốn của cử tri là tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri. Nhân dân nói có nơi chỉ mời cán bộ, thậm chí có nơi các đại biểu tiếp xúc toàn thấy cán bộ hưu trí mà không thấy các thành phần người dân khác.
“Tôi tiếp xúc ở Cần Thơ giờ thay đổi nhiều, có rất nhiều thành phần nhân dân để người ta có tiếng nói. Tất nhiên cán bộ đương chức cũng là cử tri nhưng tiếp xúc là để dân nói lên bức xúc, nếu cán bộ nói hết phân nửa hoặc hai phần ba thì còn đâu thời gian cho dân nói” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Có dấu hiệu tiếp tay, lợi ích nhóm
Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cũng ghi nhận nhiều phản ánh rằng công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc.
Theo ông Hầu A Lềnh, cử tri và nhân dân đang lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương; việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên có tổ chức vẫn diễn ra công khai, làm cạn kiệt tài nguyên rừng và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Ông Hầu A Lềnh: Cử tri phản ánh có sự tiếp tay, bao che trong khai thác cát trái phép, chặt phá rừng |
“Cử tri và nhân dân cho rằng, việc khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng xảy ra công khai trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để ở một số địa phương là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương, của cán bộ quản lý, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh” – báo cáo nhấn mạnh; cùng với đó là những lo lắng, bức xúc về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông.
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa ung thư giả vẫn chưa được kiểm soát, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri cũng bức xúc khi người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với thầy thuốc, nhân viên y tế, nhưng cũng mong có giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế.
Liên quan đến ngành giáo dục, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực đổi mới trong việc dạy và học, quan tâm hơn đến các địa phương vùng sâu, vùng xa hay chấn chỉnh công tác xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư... thì cử tri một số địa phương cũng phản ánh về thái độ, hành vi ứng xử của một bộ phận học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu đi hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc./.
“Nhiều vụ việc chỉ được xử lý khi Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt“
Cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu
“Rút ra vấn đề gì về quản lý tài sản công, đất công qua các vụ việc?“