Thực hiện chương trình giám sát, hôm nay 13/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. 

quoc_hoi_1_nrjz.jpg
Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về công tác phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018

Nguyên nhân cháy: Hầu hết do sự chủ quan của con người

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra hơn 13 nghìn vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6 nghìn 500 tỷ đồng và 6 nghìn héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3 nghìn 287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1 nghìn 631 tỷ đồng và 1 nghìn 600 héc-ta rừng. Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60%.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá nguyên nhân chính xảy ra cháy từ sự chủ quan của con người. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy, chữa cháy. Là thành viên của đoàn giám sát, đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa chỉ rõ nguyên nhân chủ quan xảy ra cháy từ chính bản thân con người.

Đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa

“Mùa hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong khu vực miền Trung và đạt mức kỷ lục. Nhưng nếu như những biểu hiện thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả từ sự bất cẩn của con người. Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy làm nương, họ không cố tình gây ra đám cháy lớn nhưng họ không có kiến thức về phòng cháy chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn người dân đáng thương gây ra vụ cháy lại phải vào tù”- đại biểu Cao Thị Xuân cho hay. Các đại biểu cũng phân tích, các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện, do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy; chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy chữa cháy….Đề cao trách nhiệm PCCC trong trường học

Các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phòng cháy chữa cháy ở nhà trường và các trường mầm non. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn Nam Định cho rằng, nếu nguy cơ cháy nổ xảy ra trong trường học không được khắc phục kịp thời thì số nạn nhân sẽ rất lớn.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn Nam Định

“Cần làm tốt, thực chất công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại các nhà trường, không coi đây là phong trào mà coi là hoạt động mang tính chất bắt buộc vì sự an toàn của học sinh và cả nhà trường. Trong thời gian qua, nhiều nhà trường đã hoạt động tuyên truyền xong chất lượng không cao. Các hoạt động thường tập trung cao điểm vào đầu năm học hay ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4/10, trong khi bất kỳ lúc nào, thời điểm nào thì nguy cơ vẫn luôn luôn tiềm ẩn”- đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu thực tế. Nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Còn nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất kinh doanh, ít quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó. Sau khi các cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra thì không duy trì nghiêm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Điều này Chính phủ và Bộ Công an có giải pháp khắc phục về quân số và cơ chế sử dụng, huy động được lực lượng phòng cháy chữa cháy. Bảo đảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ phòng cháy chữa cháy”.

Đại biểu Phạm Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi 

Cũng tại phiên thảo luận, dẫn chứng về vụ việc cháy kho xưởng của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, quận Thanh Xuân, Hà Nội mới đây, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đoàn Hưng Yên cho rằng, rõ ràng các đám cháy sẽ gây ra ô nhiễm môi trường ở một khu vực nhất định bởi khói bụi, những chất độc do nhiệt độ phát ra từ khu vực đám cháy, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Do vậy, việc khắc phục hậu quả sau hỏa hoạn là hết sức quan trọng.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đoàn Hưng Yên

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị: “Cần bảo đảm sức khỏe cho người dân trong khu vực cháy, triển khai y tế, bác sĩ, y tá trực 24/24h tại các khu vực xảy ra các đám cháy. Tổ chức khám sức khỏe miễn phí theo yêu cầu của người dân, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe và môi trường. Giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường về đất, nước, không khí trong vùng ảnh hưởng và phải công khai minh bạch đến người dân và các cơ quan thông tin đại chúng. Thực hiện các biện pháp tẩy độc trong trường hợp cần thiết”./.

Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về kết quả giám sát PCCC

Cũng tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy, đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát nhằm hạn chế tình trạng cháy nổ:

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình đề nghị sửa đổi Luật phòng cháy, chữa cháy, trong đó quy định cụ thể với những nhà cao tầng và lối thoát hiểm: “Nên sửa đổi phòng và cứu hộ cứu nạn để tất cả công trình trong Luật Xây dựng sửa đổi công trình nhà cao tầng phải có đường thoát, cách cứu hộ cứu nạn để người dân thoát. Hoặc khi xảy ra cháy, cứu hộ cứu nạn xử lý. Tôi đề nghị trong tương lai xây dựng khu chung cư là xây dựng nhà đỗ xe riêng chứ không để tầng hầm.Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về PCCC

Nhiều đại biểu đề nghị, công tác phòng cháy, chữa cháy phải được xác định lấy phòng ngừa là nhiệm vụ chính. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy.“Tôi đề nghị, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, đưa kiến thức phòng cháy chữa cháy vào chương trình giáo dục trong các cấp học, ngành học. Đổi mới công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ưu tiên về thời lượng, thời điểm phát sóng để người nghe và người xem được nhiều nhất. Đồng thời chú trọng phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn cho mọi tầng lớp nhân dân”- đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu quan điểm. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An 

Theo các đại biểu, cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn Đắk Nông kiến nghị, Quốc hội cần tăng cường công tác hoạt động giám sát thường xuyên trong việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo dõi chỉ đạo, rà soát đánh giá toàn diện những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong công tác phòng cháy chữa cháy để kịp thời sửa đổi bổ sung hướng dẫn phù hợp với Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra với doanh nghiệp và kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy.Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát về Phòng cháy chữa cháy. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội, phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng chống cháy nổ. Thứ hai, cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, để nhận ra lỗ hổng. Cần phải truy trách nhiệm của các bên liên quan. Đó là những lỗ hổng trong văn bản hướng dẫn.

"Chúng tôi đi giám sát thì có sự chồng chéo, bất cập, lạc hậu không chỉ pháp luật về phòng cháy chữa cháy mà các lĩnh vực liên quan đến xây dựng, giao thông, điện lực”.- đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh./.