Cụ thể, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Kịp thời xử lý những tồn tại, hạn chế về quy hoạch
Liên quan quy hoạch, theo kế hoạch chi tiết vừa được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – trưởng đoàn giám sát ký ban hành, Đoàn sẽ giám sát về iệc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các công văn hướng dẫn việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.
Ngoài ra có việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, công khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh; Việc rà soát, ban hành danh mục quy hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 khi quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Việc rà soát các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy hoạch nói trên.
Bên cạnh đó là việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, công khai và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành) theo pháp luật có liên quan; xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ (trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực sau: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); HĐND, UBND.
Thời gian giám sát từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2019, riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2018) đến ngày 15/12/2021.
Chống lãng phí trong khu vực công
Còn đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn sẽ giám sát về việc ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Luật THTK,CLP, các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan công tác THTK,CLP.
Việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP trong khu vực công của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước, bao gồm kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhiệm kỳ XIV, Kiểm toán nhà nước các năm trước đối với các nội dung liên quan đến THTK,CLP...
Đoàn tiến hành giám sát việc ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP trên phạm vi cả nước trong khu vực công, gồm: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước ; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước, tập trung giám sát; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Thời gian giám sát từ 01/01/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa ban hành kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”./.