Ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 10 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường được ban hành khá nhiều, đáng chú ý là việc ban hành Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường.

khoangsan0000.jpg
Nhiều hoạt động khai thác khoáng sản chưa có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này còn chậm. Nhiều địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật quá nhiều so với yêu cầu thực tế, một số văn bản chưa nhất quán với quy định của Trung ương, thậm chí còn mang tính chất cục bộ, gây nên sự lộn xộn trong khai thác, làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến lợi ích chung của đất nước.

Một số quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khoáng sản còn mâu thuẫn, không có sự liên kết, thiếu rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội nêu ý kiến, ngay cả trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã làm cho việc khai thác khoáng sản không phục vụ được sản xuất. Nhiều khi chỉ để khai thác đất làm đường vào mỏ khoáng sản cũng phải cần tới 19 thủ tục. Như thế để thấy rằng, đối với những loại khoáng sản nào cần kiểm soát chặt chẽ hãy đi theo trình tự, còn những khoáng sản ở mức độ nhất định thì nên có quy định riêng hợp lý.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu phân tích thêm: Hiện nay, quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa phù hợp với tính đặc thù của hoạt động khoáng sản. Một số quy định về thuế, phí tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trong thời gian qua còn nhiều bất cập, không khuyến khích được việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chệnh lệch mức thu thuế tài nguyên của các loại khoáng sản từ mức thấp đến cao là quá xa. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản người ta bao giơ cũng tính thuế ở mức thấp nhất. Thứ 2 là việc tính thuế khoáng sản là do đơn vị khai thác tự khai nên số lượng khai để nộp thuế không biết là bao nhiêu. Nên phải nói rằng thất thoát về tài nguyên là vô cùng lớn” - bà Nương nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu nhận định: Từ năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh về địa phương đã tạo điều kiện cho một số nơi cấp phép tràn lan, có lúc trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Chỉ trong 3 năm (từ 2005 – 2008), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp gần 3.500 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm. Từ đó dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nội dung giám sát cần được đưa ra thảo luận tại kì họp thứ 4 tới và có Nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Với những giải pháp mạnh mẽ, chấn chỉnh bất cập trong quản lý, hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới sẽ góp phần thiết thực phục vụ đất nước./.