Tính đến ngày 30/5, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ ngành thuộc Tổ công tác số 3 đạt khoảng 1.585 tỷ đồng, đạt 8,77% kế hoạch và thấp hơn mức bình quân chung của của cả nước là 27,86%. Tính đến 22/7, tỉnh Cao Bằng giải ngân đạt hơn 20%, tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 22%. Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công do thay đổi cơ chế, chính sách về thực hiện hợp đồng xây dựng, dự án ODA; biến động giá vật liệu, nhân công xây dựng; một số dự án trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc chưa đến điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu khối lượng hoàn thành… Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết : đặc thù của chi đầu tư công thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Việc giải ngân vốn đầu tư cần thời gian để thi công, tích luỹ khối lượng và phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng mới có thể làm thủ tục thanh toán.  Bên cạnh đó, Các dự án mới phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công.

Tổng hợp báo cáo 19 bộ, cơ quan trung ương, các kiến nghị chủ yếu liên quan đến nội dung Trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm vốn kế hoạch năm 2022 đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng chính phủ có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu khó khăn bởi giá nguyên vật liệu tăng cao.

Các đại biểu đánh giá: Tổ 3 gồm các bộ ngành và 2 địa phương cơ bản không phải là những cơ quan giải ngân nhiều từ trước đến nay, số vốn được giao nhỏ và không có kinh nghiệm làm thủ tục các dự án đầu tư công; Các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng đa phần nằm tại các địa phương. Sau những đợt kiểm tra, đôn đốc trước đây đến nay đang tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, ngoài một số vốn ngân sách nhà nước xin trả lại, đến cuối năm nay các bộ, ngành, địa phương cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, sau khi kiểm tra, đôn đốc, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã bước đầu khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm. Từ thực tế phần lớn công tác giải phóng mặt bằng dự án nằm ở các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác có văn bản đôn đốc địa phương thực hiện; đồng thời tăng cường năng lực các ban quản lý dự án…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tinh thần chung là Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, dứt khoát có tiền là phải giải ngân được. Với những dự án nào chưa hòan thành thủ tục thì hoan trả, đồng thời trong lúc hoàn trả thì các chủ đầu tư các cơ quan vẫn phải tiếp tục triển khai, khi đầy đủ thủ tục thì sẽ cấp lại./.