Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 cho thấy, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục. Trong đó có sự câu kết, “thổi giá” giữa cơ quan Nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.
Điển hình như các vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Mắt TP.HCM và tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ; vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa;…
Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với một số hành vi phổ biến như mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh; lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi…
Theo nhóm nghiên cứu, chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân, tuy nhiên, qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy còn có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước…
Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương. Như vụ Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên của Tổng cục Đường bộ Bộ Giao thông Vận tải bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi cấp trái phép trên 1.000 Thẻ chứng nhận xe ô tô "luồng xanh", thu lời 200 triệu đồng.
Cũng theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng vẫn còn.
“Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế” - nhóm nghiên cứu nêu ý kiến.
Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng; chú trọng thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tập trung rà soát, sửa đổi các luật, văn bản pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
“Đề nghị Chính phủ, VKSND tối cao, TAND tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm hơn tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng" - nhóm nghiên cứu đề nghị và nêu rõ Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đấu thầu. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành, kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh… /.