Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng diễn ra sáng 20/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và chỉ đạo các cơ quan chức năng không được bán chỉ định tài sản đất đai của Nhà nước mà phải đấu giá công khai, kể cả đưa đất đai lên sàn đấu giá.

thu_tuong_4_yokk.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị
Những vấn đề lớn được thảo luận tại hội nghị như sớm kiến nghị điều chỉnh Luật đầu tư công, sửa đổi Nghị định số 15 của Chính phủ để sớm thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) và tiến tới kiến nghị xây dựng một Luật về PPP; khắc phục tình trạng thủ tục rườm rà trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, nhất là các dự án có vốn đầu tư công; xem xét lại quy trình xây dựng cơ bản, bởi các dự án của tư nhân triển khai rất nhanh, trong khi các dự án đầu tư từ vốn Nhà nước, cùng quy mô, lại triển khai rất chậm.  

Về thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, các dự án của tư nhân kể cả trong và ngoài nước triển khai nhanh và có chất lượng, trong khi các dự án đầu tư từ ngân sách lại chậm và chất lượng chưa như mong muốn. 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội mỗi năm từ 32-34% GDP, nếu không khơi thông được nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nhất là hiện nay 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đang giải ngân rất chậm.

Nhấn mạnh trách nhiệm về sự chậm trễ này thuộc về các bộ, ngành và địa phương được giao vốn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, các thủ tục rườm rà, nhất là thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tạo mọi điều kiện cho phát triển đầu tư xây dựng là một yêu cầu. Trong đó tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực. Yêu cầu anh làm theo quy hoạch, đảm bảo an toàn lao động, an toàn công trình. Mặt khác phải tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát tham nhũng. Tại sao nhiều tập đoàn lớn họ làm nhanh và tốt như vậy, đảm bảo an toàn, cảnh quan, mỹ quan. Như sân bay Vân Đồn trong năm rưỡi là xong luôn. Thủ tục họ thuận lợi, họ quyết định được nhanh”. 

Nêu lên thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư. Đây là điểm mấu chốt quan trọng cần phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước đều phải làm tốt khâu này.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải chỉnh sửa ngay những thủ tục quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Nếu những quy định thuộc thẩm quyền Quốc hội thì kiến nghị sớm sửa đổi. Nhất là trong lĩnh vực xây dựng có sự chồng chéo về quy định như nhiều luật, hơn 100 Nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… 

Thủ tướng yêu cầu: Từ nay đất đai phải được đấu giá công khai.
Cùng với cải cách thể chế, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ hành chính phải tuân thủ kỷ luật, hoàn thành chức trách nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thủ tướng chỉ ra thực tế, nhiều trường hợp do yêu cầu của các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau, nên mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Do đó cần phải có một đầu mối, cấp Trung ương là Bộ Xây dựng, địa phương là Sở Xây dựng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cố tình “ngâm” hồ sơ, hay tình trạng “có ba trăm lạng việc này mới xong”.

“Cứ hồ sơ xây dựng cơ bản, nhất là dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản là vô cùng chậm. Cho nên bây giờ ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật phải xử lý. Ông Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quy định, không thể để mãi như thế. Đi liền với đó là chống làm chậm, ngâm lâu, phải yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật. Sập công trình chết người hàng loạt, hoặc không phòng cháy chữa cháy… là phải làm nghiêm”, Thủ tướng nêu rõ.

Cho rằng vấn đề tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải xử lý cho được tình trạng này để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng. Một công cụ quan trọng là phải công khai, minh bạch trong mọi khâu, trong đó, cần đấu giá công khai đất đai để đảm bảo lợi ích cho Nhà nước.

“Từ nay đất đai phải được đấu giá công khai, có hình thức phù hợp. Có thể làm quỹ đất sạch. Đất anh tự giao nhà đầu tư làm thì thất thoát lớn lắm. Đất nước Việt Nam thất thoát cái này nhiều lắm. Không được bán chỉ định tài sản đất đai mà phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước là một yêu cầu hiện nay. Chúng ta đã thất thoát rất lớn, lần này phải chấn chỉnh. Không được quân xanh quân đỏ, phải dẹp ngay tình trạng này, kể cả trong xây dựng cơ bản, trong cung cấp hàng hóa, tình trạng chọn nhà thầu tùy tiện, lợi ích nhóm, tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực này”, Thủ tướng đề nghị.  

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra kiểm tra phải đảm bảo không chồng chéo, và chỉ cần thanh tra một lần nhưng xử lý nghiêm sai phạm sẽ hiệu quả hơn là làm nhiều lần mà không xử lý.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của Hiệp hội, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp để có văn bản chỉ đạo cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết trong phạm vi Chính phủ chịu trách nhiệm./.