Chiều nay (30/3), sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Người được giới thiệu là ông Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng Đoàn ĐBQH khoá XIV Thành phố Hà Nội.
Các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn trước khi tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia vào sáng mai.
Theo quy định, tân Chủ tịch Quốc hội phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp sau khi được Quốc hội bầu.
Ông Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê quán: xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sỹ Kinh tế. Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội Khoá XIII, XIV.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vương Đình Huệ công tác 22 năm ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) với nhiều cương vị khác nhau, từ giảng viên, Trưởng khoa Kế toán, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Trong khoảng thời gian này, ông có 4 năm (1986 - 1990) nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Tháng 7/2001, ông Vương Đình Huệ được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.
Ông là Bộ Trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013).
Ông Vương Đình Huệ giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 4/2016 đến khi Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm ngày 11/6/2020 sau khi Bộ Chính trị quyết định phân công điều động thôi giữ chức Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội (tháng 2/2020).
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối.
Tròn 4 năm ở Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ “gác” mảng kinh tế - tài chính, cá nhân ông Vương Đình Huệ cùng với tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng để kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lan tỏa thành quả kinh tế cũng như tư duy mới tới những vùng nông thôn.
Khi giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Vương Đình Huệ được đánh giá có phẩm chất chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, nắm vững công tác xây dựng Đảng và quản lý nhà nước ở Trung ương, có uy tín, khả năng quy tụ và đoàn kết nội bộ, có bề dày kinh nghiệm công tác, am hiểu tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và Thành phố.
Thời điểm ông Vương Đình Huệ về Hà Nội là thời điểm nhiều công việc lớn, quan trọng, cấp thiết và khó khăn đang rất bề bộn: Vừa phòng, chống đại dịch Covid - 19, chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá, hoàn thành kế hoạch năm và kế hoạch 5 năm; vừa phải lo chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị về mọi mặt cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố...
Tuy thời gian không dài, nhưng Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ được đánh giá đã làm được nhiều việc có hiệu quả, tạo chuyển biến trên thực tế: Hà Nội hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu do Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra; một số sai phạm kéo dài về trật tự xây dựng, về hạ tầng giao thông, quản lý xã hội... được chỉ đạo giải quyết; Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp; các chương trình công tác lớn của Thành ủy được khẩn trương thực hiện ngay sau Đại hội; đại địch Covid-19 được kiềm chế.../.