Chiều nay (27/6), Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng cho biết, có sự cấu kết của người bên ngoài với cán bộ tham nhũng chính sách để tham nhũng, tiêu cực.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, sau khi nghe báo cáo Kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, cử tri thành phố Đà Nẵng bày tỏ tin tưởng với các nội dung của kỳ họp đã thông qua. Cử tri phấn khởi bởi sự nâng tầm của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn; các đại biểu không còn nói những ngôn ngữ “bác học” mà đã đi thẳng vào cuộc sống người dân, người trả lời và người chất vấn đều ở trong đời sống xã hội, nói và phản ảnh đúng tâm nguyện của cử tri và hiện thực xã hội… Cử tri thành phố Đà Nẵng mong muốn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm đối tượng tham nhũng, không để nộp tiền khắc phục hậu quả thì được giảm án mà phải tịch thu tài sản tham nhũng.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng ở tổ 32, Phường Thanh Bình, quận Hải Châu đề nghị, muốn chống được tham nhũng tiêu cực thành công trọn vẹn thì Quốc hội sửa lại điểm e, điều 40 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2016 đến nay; Đồng thời sửa lại quy định: “nộp lại 3/4 tài sản thì được giảm tội” thì mới đẩy lùi được tham nhũng tiêu cực".
Cử tri thành phố Đà Nẵng băn khoăn, lo lắng trước tình hình vật giá leo thang, trong đó việc tăng giá xăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là lao động phổ thông, mong Quốc hội sớm đưa ra các chính sách bình ổn giá.
Nhiều cử tri cho rằng, việc giá sách giáo khoa tăng bất thường, cần có ổn định sử dụng trong 5 năm để các cháu lớp sau tiếp tục sử dụng mà không phải mua lại sách. Cử tri Lê Thọ Truyền, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, giá xăng dầu tăng liên tục khiến ngư dân gặp khó khăn, mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ bà con: "Trước tình hình đó xin đề nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kịp thời về xăng dầu cho ngành thủy sản. đảm bảo khai thác, đảm bảo an sinh và đảm bảo ngư dân có mặt và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam"- cử tri Lê Thọ Truyền nói.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp thu và giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm một cách thấu đáo. Đó là các vấn đề dạy và học lịch sử, giá xăng dầu, sửa đổi Luật Đất đai, vấn đề phát triển văn hóa, kinh tế…
Tại cuộc tiếp xúc cử tri lần này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri Đà Nẵng đối với những vấn đề quốc kế dân sinh. Về vấn đề dạy học môn lịch sử, ông Võ Văn Thưởng cho rằng vấn đề là ở nội dung và phương pháp giảng dạy môn lịch sử. Dẫn chứng hiệu quả từ các chương trình do Đoàn Thanh niên phát động như: Thắp nến tri ân, Xuân Biên giới, Chương trình biển đảo, Hành trình đến bảo tàng, ông Võ Văn Thưởng mong muốn học sinh tham gia các hoạt động này thì sẽ học tốt hơn môn lịch sử.
Theo ông Võ Văn Thưởng, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt hơn, tạo chuyển biến mạnh hơn, mở rộng hơn, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến thành lập ở cấp tỉnh, thành phố để thực hiện tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đã và đang được nhân dân ủng hộ. Ông Võ Văn Thưởng cho biết, ngày 30/6 tới, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Hội nghị này xác định tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng với quyết tâm chính trị cao nhất, tư tưởng chỉ đạo là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tập trung kiểm soát quyền lực.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, Đảng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và tiến tới không muốn và không cần tham nhũng. Ông Võ Văn Thường khẳng định đã có sự tham nhũng chính sách, bởi trong những vụ việc tham nhũng vừa qua, có sự cấu kết người bên ngoài với người ban hành chính sách. Sắp tới, Đảng và Nhà nước sẽ tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Vì vậy, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu gây thất thoát tài sản, tham nhũng thì lập tức kê biên tài sản. Tuy nhiên, quy định của pháp luật sẽ bổ sung chặt chẽ về kê khai, quản lý tài sản của cán bộ bởi có tình trạng người tham nhũng không đứng tên tài sản mà để cho người thân đứng tên. Theo ông Võ Văn Thưởng, Đảng đó có nhiều quy định về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và của người dân, vấn đề còn lại là phải hành động.
Về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, Hội nghị Trung ương 5 đã xác định, quyết tâm sửa đổi. Bởi hiện nay, 70% khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cán bộ bị kỷ luật cũng liên quan đến đất đai. Nhiều người giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đi tù cũng vì đất. Đây là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau về từng vấn đề cụ thể, cần phải có thời gian thảo luận một cách kỹ lưỡng, khoa học.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước, là định hướng để hình dung phát triển của địa phương trong tương lai nhưng lại giao cho 1 doanh nghiệp tài trợ. Mà doanh nghiệp tài trợ thì họ sẽ xí phần trong đó, sẽ làm shophouse nhiều, thương mại nhiều, làm nhà ở để bán nhiều, công trình văn hóa, công trình công cộng ít, làm mất công bằng trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Vì vậy sắp tới, nhà nước sẽ đảm bảo nguồn lực cho công tác này. Vấn đề thứ hai là bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đây là những vấn đề rất lớn cần có thời gian./.”