Tại cuộc họp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về tiến độ triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ATTP là vấn đề mà Hà Nội rất quan tâm nên đã chủ động thực hiện Chương trình này. Thành phố đã ban hành chương trình hành động trong đó tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền.
Phải kiên quyết xử lý hình sự về vi phạm an toàn thực phẩm
Hiện Hà Nội có khoảng 10 triệu người dân sinh sống gây áp lực rất lớn về giao thông, an toàn thực phẩm. Hà Nội có 60.000 cơ sở về thực phẩm, 454 chợ, 117 siêu thị... trong khi đó Hà Nội chỉ đáp ứng 60% rau, còn lại phải nhập về, thực phẩm cũng vậy. Đó là lý do kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rất khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này TP Hà Nội tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát về ATTP với 95.000 lượt thanh tra, kiểm tra xử phạt gần 25 tỷ đồng, chuyển 3 vụ xử lý hình sự.
Hà Nội cũng đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động. Xe đi đến đâu đoàn kiểm tra liên ngành đến đó để xử lý ngay những vi phạm. Tới đây Hà Nội nhập khẩu thêm 2 xe hiện đại hơn.
“Tình hình này phải kiên quyết xử lý hình sự về vi phạm an toàn thực phẩm để có tác dụng răn đe. Tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng chưa hiệu quả, cần xử nặng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Hà Nội chỉ đạo việc này rất kiên quyết, yêu cầu lãnh đạo quận huyện, xã phường xuống kiểm tra cơ sở”- ông Nguyễn Văn Sửu đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, trong năm 2016, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên đề liên quan đến an toàn thực phẩm; quán triệt, tổ chức thực hiện kế hoạch chặn đứng hoạt động nhập khẩu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhập lậu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, phát hiện xử lý kịp các vụ việc, đường dây, ổ nhóm...
Kết quả đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 4 vụ việc liên quan nhập lậu thực phẩm, phần lớn là thực phẩm chức năng không có giấy phép theo quy định, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm; xử lý hành chính 15 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, như hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng hóa kém chất lượng. Trị giá hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng.
“Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cơ quan kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm để đảm bảo việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu; phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”- ông Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.
Phải nói thẳng- nói thật, nói không với thực phẩm bẩn
Về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau khi thống nhất với các Bộ, ngành, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 271 triển khai Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm trong 2 năm 2016-2017.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh |
Trong đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đôn đốc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triển khai Chương trình phối hợp 90 và Kế hoạch số 271 về an toàn thực phẩm ở địa phương. Bộ Y tế ban hành Kế hoạch về việc triển khai Chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về triển khai kế hoạch phối hợp ở địa phương.
Bộ Tài chính thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, hướng dẫn bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm...
Các địa phương đã khởi động xây dựng chương trình kế hoạch trong 5 năm về an toàn thực phẩm; triển khai chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm. Đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành phố Ban hành kế hoạch liên tịch hoặc chương trình phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, việc tổ chức họp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, để thấy được những việc làm được, chưa làm được để có những bước khởi động thực hiện chương trình trong năm 2017 nhằm thực hiện mục tiêu 100% xã phường tuyên truyền về an toàn thực phẩm, 50% hộ nông dân đăng ký đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2016. Bộ Y tế cần triển khai quyết liệt sớm chương trình an toàn thực phẩm, xử phạt những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.../.