Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết điều này khi trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tạ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/3.
Chọn được cán bộ vì nước, vì dân
Từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận.
Cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng - dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc, của đất nước ta; định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
“Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân; công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, khách quan, các đồng chí được bầu vào Trung ương tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng phát triển đất nước” – ông Trần Thanh Mẫn cho biết.
Cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp; đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Lo lắng vì khó khăn do dịch Covid-19
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đồng thời quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.
Tuy vậy, người dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.
Các ý kiến cũng bày tỏ hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền Trung; rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển và là "trụ đỡ" cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp có những khởi sắc.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Ngành thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực. Chất lượng dịch vụ, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn./.