Chiều 22/7, với đa số phiếu tán thành, tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP, ông Trần Sỹ Thanh đã được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; trình độ thạc sỹ kinh tế, cử nhân tài chính, kế toán. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh từng đảm nhiệm vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước từ 4/2021 – 7/2022 và nhiều vị trí lãnh đạo khác.

Sau 45 ngày vị trí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị bỏ trống, người dân Thủ đô đã gửi gắm nhiều kỳ vọng vào tân Chủ tịch Thành phố Trần Sỹ Thanh.

Mong Hà Nội được phồn vinh, đẹp đẽ và công bằng hơn

“Trong những năm gần đây, Thủ đô đã thay đổi nhiều Chủ tịch UBND TP rồi nhưng chưa người nào đạt được yêu cầu của dân. Bây giờ, tôi chỉ mong Chủ tịch mơi sẽ quan tâm nhiều hơn tới thành phố, quan tâm tới người già và trẻ em” – Bà Phạm Thị Dậu, 83 tuổi bày tỏ.

Cụ thể, bà mong Chủ tịch Hà Nội sẽ có nhiều chính sách quan tâm tới sức khỏe và thu nhập của những người cao tuổi, đặc biệt là những người không có lương hưu hay trợ cấp xã hội.

“Tôi chỉ mong Hà Nội được phồn vinh, đẹp đẽ và công bằng hơn” -  bà Dậu nhấn mạnh. Bà cũng mong muốn vấn nạn tham nhũng sẽ được Hà Nội giải quyết triệt để bởi “tham nhũng càng nhiều, thì người dân càng khổ”.

Hà Nội cần có nhiều thay đổi đột phá hơn

Ông Bùi Đăng Thanh, 72 tuổi cho rằng, một trong những vấn đề lớn mà thủ đô đang phải đối mặt là quy hoạch đô thị: “Tuy đã có những chuyển biến mới nhưng quy hoạch của thủ đô trong nhiều năm qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của dân số hiện tại. Ví dụ, Thủ đô càng làm đường thì đường lại càng tắc. Và quy hoạch được rồi thì cũng phải tính sao cho quản lý được”.

Do vậy, ông Thanh mong muốn tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn sẽ có nhiều thay đổi đột phá để giải quyết những tồn đọng trong quy hoạch đô thị: “Tôi mong muốn tân Chủ tịch sẽ có nhiều thay đổi quyết liệt để đưa Hà Nội xứng tầm hơn nữa với vị trí thủ đô của một quốc gia, xứng đáng với thương hiệu thủ đô hoà bình, xứng đáng với thủ đô một nước Việt Nam anh hùng”.

Mong tân chủ tịch TP. Hà Nội là người vì dân

Đại diện cho thế hệ trẻ, bạn Ngô Thùy Trang, 18 tuổi bày tỏ: “Với tư cách là Chủ tịch của một thành phố, tôi nghĩ vị trí này sẽ đi kèm với trách nhiệm rất lớn. Do vậy, tôi mong muốn tân Chủ tịch TP. Hà Nội là người trước tiên là vì dân, luôn hiểu dân nghĩ gì, mong muốn gì; là một người có trách nhiệm, trung thực, không tham nhũng, không để lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của số đông người dân”.

Trang cũng hy vọng tân Chủ tịch UBND TP.HN có thể đưa ra những chính sách, thông tin tuyên truyền giúp người trẻ được động viên trong vấn đề tâm lý.

“Hiện nay, tâm lý cho người trẻ là một vấn đề chưa thực sự được quan tâm. Trong khi các vụ tự tử từ người trẻ ngày càng nhiều. Nên tôi hy vọng tân Chủ tịch sẽ có thể đưa ra những quyết sách mới để nâng cao nhận thức về vấn đề này đến với toàn bộ người dân, thuộc mọi thế hệ chứ không chỉ tập trung vào giới trẻ. Tôi mong tân Chủ tịch TP. Hà Nội sẽ có nhiều chính sách để giúp đỡ người trẻ. Tôi tin rằng để làm việc lớn thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ trước”.

Một người dân (dấu tên) của TP. Hà Nội cho biết, ông mong muốn tân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm: “Lãnh đạo một thành phố lớn như Hà Nội là điều không dễ dàng. Cho nên mọi việc Chủ tịch UBND TP làm đều phải vì dân, nếu không vì dân chắc là không làm được – điều mà người tiền nhiệm trước đã mắc phải. Cho nên, tôi rất mong muốn tân Chủ tịch sẽ thực sự làm việc vì dân. Có thế, bộ mặt thủ đô mới có thể thay đổi được”.

Ông Trần Sỹ Thanh là Chủ tịch TP Hà Nội thứ 10 tính từ năm 1957 đến nay. Ông nhận nhiệm vụ sau 45 ngày vị trí này bỏ trống, 7 ngày sau khi Bộ Chính trị điều động, phân công ông giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

UBND TP Hà Nội hiện có 6 Phó Chủ tịch gồm các ông: Lê Hồng Sơn (58 tuổi), Dương Đức Tuấn (55 tuổi), Nguyễn Trọng Đông (53 tuổi), Nguyễn Mạnh Quyền (47 tuổi), Hà Minh Hải (53 tuổi) và Chử Xuân Dũng (49 tuổi).

Ngoại trừ ông Lê Hồng Sơn, nguyên Thứ trưởng Tư pháp, được luân chuyển làm Phó chủ tịch TP Hà Nội từ năm 2014, 5 phó chủ tịch còn lại đều được bầu cuối năm 2020.